Làm rõ đề xuất sửa đổi thẩm quyền tranh chấp đất đai

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là một trong những nội dung được sửa đổi lần này nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 14/11.

>> Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Các đại biểu tán thành quy định giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Tòa án nhân dân, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp; đồng thời đề nghị có lộ trình, giải pháp bảo đảm nguồn lực để Tòa án thực hiện tốt trách nhiệm này.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá tác động về việc bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Uỷ ban nhân dân các cấp vì sẽ tạo nên một khối lượng công việc rất lớn cho hệ thống tòa án, có thể sẽ gây ách tắc trong việc giải quyết tranh chấp đất đai.

Tranh luận nội dung này, một số đại biểu tiếp tục tán thành rất cao việc bỏ hẳn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Ủy ban nhân dân đối với tranh chấp quyền sử dụng đất và tất cả tập trung vào các cơ quan, trong đó có cơ quan tòa án.

Trước đó, tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo nêu rõ quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì thẩm quyền của giải quyết tranh chấp đất đai chủ yếu thuộc về Tòa án nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ giải quyết đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng.

Thực tế, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi cả nước đã cơ bản hoàn thành, do đó số vụ việc tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính sẽ giảm dần. Việc giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Tòa án nhân dân là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!