• 1328 lượt xem
  • 14:16 22/07/2022
  • Kinh tế

Lạm phát được kiểm soát, nhà đầu tư chứng khoán cần tầm nhìn dài hạn

Các chuyên gia tin rằng, các giải pháp kiểm soát lạm phát kịp thời, phù hợp từ chính sách tiền tệ, tài khoá và giá cả của Quốc hội, Chính phủ sẽ giúp ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo đà tăng trưởng. Đây là những thông tin tích cực đối với thị trường, nhà đầu tư chứng khoán thời gian tới.

6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Có được kết quả đó nhờ giá nhiên liệu được bình ổn nhanh, nguồn cung dồi dào, hàng hóa và một số mặt hàng thiết yếu được điều tiết ổn định.

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh: “Ngân hàng Trung ương định hướng điều hành lãi suất ổn định, kết hợp các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, thông qua các gói tín dụng hỗ trợ như Gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhanh chóng thực hiện các gói này. Gói này thực hiện hiệu quả sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, ổn định giá thành và phục hồi.”

Dù vậy, áp lực lạm phát cuối năm rất lớn do giá nguyên liệu thế giới nhiều biến động, nguy cơ nhập khẩu lạm phát, doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc nhiều nhập khẩu đầu vào.

Ông TRẦN HOÀNG NGÂN, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM: “Lạm phát hiện nay chủ yếu đến từ chi phí đẩy, không phải do cầu kéo nên chúng ta không thắt chặt, không nới lỏng mà thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng. Chính sách tài khoá có nhiều dư địa, 6 tháng đầu năm với nhiều nỗ lực của ngành tài chính giúp chúng ta tăng thu ngân sách hơn 900 ngàn tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ, đạt 66% so với dự toán nên chúng ta có thể tăng các gói kích thích kinh tế, hỗ trợ an sinh, xã hội, các gói giảm thuế phí … góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.”

Đến tháng 7, số lượng tài khoản của nhà đầu tư đạt 6,16 triệu tài khoản, vượt xa mục tiêu 5,5 triệu tài khoản của Chính Phủ đến năm 2025. Mở mới nhiều nhưng thanh khoản ở mức dưới 10.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 lúc cao điểm là 27.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là do 4 yếu tố: điều chỉnh do ảnh hưởng tiêu cực của thị trường thế giới; tâm lý đầu cơ tiềm ẩn sau 2 năm tăng nóng; nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy lớn; tâm lý đám đông do thị trường chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.

Ông HOÀNG CÔNG TUẤN, Kinh tế trưởng Công ty CP chứng khoán MB: “Tại thời điểm các nhà đầu tư tỏ ra bi quan vì các yếu tố kinh tế vĩ mô, hoặc liên quan đến đầu cơ thì đây là thời điểm rất tốt để chúng ta thực hiện các hoạt động đầu tư.”

Trong dài hạn, nền kinh tế dự báo phục hồi mạnh mẽ, cả năm 2022 ở mức 6,5-7% là khả thi. Các chính sách của Chính phủ, dù kiểm soát các hoạt động, nhưng cũng thoáng hơn đối với các hoạt động tín dụng trong thị trường chứng khoán là tín hiệu khởi sắc cho các nhà đầu tư. 

Phạm Quyền