Ký ức về lễ cúng đâm trâu của người dân Tây Nguyên

Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên được người dân thường tổ chức vào khoảng tháng 2 – 3 âm lịch hằng năm, hoặc trong các buổi lễ cúng tập tục của người dân. Trong những năm trở lại đây, các lễ hội truyền thống của các anh em dân tộc thiểu số nhận được nhiều phản ứng của dư luận về hành động đối xử thô bạo với động vật và người dân cũng dần cảm thấy lạc hậu nên hiện giờ việc này chỉ còn trong kí ức.

Lễ hội đâm trâu của người Ba Na gọi là mnăm thu, người Lạch gọi là sa rơpu là một lễ hội nhằm mục đích tế thần linh hoặc những người đã có công chủ trì thành lập buôn làng, ăn mừng chiến thắng,mùa màng bội thu hay các sự kiện quan trọng khác.Con trâu sẽ là vật hiến tế để cầu thần phù hộ cho buôn làng được khỏe mạnh, ấm no.Nhớ về kí ức lễ đâm trâu của gia đình mình và người dân trong làng chị Y Lim vẫn mãi không quên. Trước đây, khi gia đình có người ốm đau nặng hay gặp phải chuyện xui rủi thì gia đình đó phải làm lễ cúng đâm trâu và tổ chức 3 ngày 3 đêm.

Chị Y LIM, Thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum: “Trước đây gia đình mà có chuyện buồn, bệnh tật là tổ chức đâm trâu và việc này chuẩn bị trong 1 tháng và sau đó tổ chức trong 3 ngày. Nói chung là rất tốn kém. Nhưng nhờ đảng và nhà nước tuyên truyền nên không còn nữa. Nay ốm đau là đi bệnh viện, bán trâu để lấy tiền đi bệnh viện chữa bệnh.”

Nếu như trước đây, tại lễ cúng này cũng sẽ tổ chức đâm trâu để bày tỏ sự tôn kính của mình thì nay ở lễ hội đã không còn nữa. Phần lễ gồm các nghi lễ cúng mừng lúa mới, tạ ơn trời đất, diễn tấu cồng chiêng. Vật trang trí nổi bật trong lễ hội là cây nêu, được dựng lên ở ngay giữa phần đất trung tâm của nhà sinh hoạt động đồng. Lễ vật để dâng lên thần linh gồm có thịt heo nướng, chuột núi nướng, ché rượu cần… và nhất định không thể thiếu cơm lam được lấy từ gạo của vụ lúa vừa kết thúc. Mùa cũ đang đi qua, họ cầu cho mùa tiếp theo sung túc, gặp nhiều may mắn hơn. Nhiều ngày trước đó, bà con dân làng đã chuẩn bị chu đáo cho lễ hội.

Ông VI VOAN, Buôn trưởng buôn H’ring, xã Ea H’đing, huyện Cu M’gar, tỉnh Đắk Lắk: “Lễ hội mừng luá mới của người Xê đăng chúng tôi nhằm mục đích duy trì văn hóa cổ truyền, sau khi mùa màng kết thúc. Bà con trong buôn làng tổ chức mừng lúa mới để tạ ơn các thần linh: thần nước, thần sông, thần núi, tạ ơn ông trời đã cho mưa thuận gió hoà, bà con có sức khoẻ, mùa màng tốt tươi, con cháu được học hành ngoan ngoãn”.

Ông Y WEM HƯING, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk: “Huyện Cư M’gar luôn quan tâm, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung và lễ mừng luá mới của đồng bào buôn Xê đăng nói riêng. Lễ hội có ý nghĩa rất sâu sắc, mang tính gắn kết cộng đồng, làng xã cao. Sắp tới 10-3, chúng tôi sẽ tổ chức lễ hội của người Ê đê địa gắn kết với Festival cà phê, chắc chắn sẽ còn sôi nổi hơn nữa. Chúng tôi sẽ nâng tầm lễ hội này thành cấp huyện, để vừa quảng bá hình ảnh văn hóa các dân tộc, vừa phát triển du lịch".

Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên là một trong những lễ hội thu hút hàng ngàn lượt khách hằng năm đến trải nghiệm đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc bản địa. Đây cũng là một điểm mạnh kéo du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến tham gia, đồng thời tham quan các đia danh lân cận. Và việc không còn diễn ra hình ảnh đâm trâu tại lê hội hiện nay cũng thể hiện sự thích ứng của văn hóa truyền thống với xu thế văn hóa hiện đại như hiện nay.

Đức Hưng