Ký ức về cuộc chiến đấu chống Pháp tại Thà Khẹc của Liên quân Lào - Việt

Công viên 21/3/1946 được dựng lên ở thị trấn Thà Khẹc để ghi nhớ về trận chiến chống thực dân Pháp vào ngày 21/3/1946, đồng thời ghi nhớ công ơn to lớn của chiến sĩ Lào - Việt Nam, sự hi sinh của nhân dân Lào và kiều bào Việt Nam ở Thà Khẹc đã ngã xuống để bảo vệ đất nước Lào thân yêu. Phóng viên của THQHVN đã đến vùng đất lịch sử này để cùng tìm hiểu về trận chiến ác liệt năm ấy.

Hôm nay, cả hai quốc gia đang kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, (5/9/1962-5/9/2022), chúng tôi muốn cùng chia sẻ với quý vị và các bạn một quá khứ hào hùng của hai dân tộc, vẫn để những cảm xúc ngân rung trong thế hệ trẻ hôm nay và để những di sản quý báu của hai dân tộc được tiếp tục gìn giữ và phát huy.

Ông THONGVANH THONGDY - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tàng, Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào:  "Ngày 21/3/1946 Thực dân Pháp đã tấn công ồ ạt vào thị trấn Thà Khẹt, nơi có nhân dân Lào và Việt Kiều đang sinh sống rất bình an. Hoàng thân Suphanuvong lúc đó là Chỉ huy tối cao của Chính phủ Lào Itxala. Ngay lúc này Người cũng có mặt ở Thà Khẹt, Người đã triệu tập lực lượng của Lào và quân tình nguyện của Liên quân Lào - Việt đứng lên bằng mọi giá phải bảo vệ được Thà Khẹt. Thực dân Pháp đã dùng vũ lực trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại, có cả pháo, máy bay để tấn công, phía ta có lực lượng ít, vũ khí thô sơ, dù đã triệu tập hết mọi sức lực nhưng cuối cùng chúng đã chiếm được thị trấn Thà Khẹt và chúng đã giết nhân dân Thà Khẹt một cách dã man nhất, chúng đã bắt phụ nữ mang thai, trẻ em và người già ném xuống giếng, bắt những người vô tội cho vào bao tải ném xuống sông, bắt thanh niên ra bờ sông giết chết họ, làm cho dòng sông Mê Kông đầy máu của người vô tội".

Đây là cái giếng mà bọn Thực dân Pháp đã bắt trẻ em, người già và phụ nữ mang thai ở Thà Khẹc Khăm Muộn ném xuống một cách dã man. Sự tàn bạo dã man của thực dân Pháp đã được khắc l ên bức tranh trên tường để cho mọi người chúng ta được hình dung những tội ác mà chúng đã gây nên đối với nhân dân Lào. Đảng , Nhà nước Lào đã quyết định cho bảo tồn di tích này để cho những thế hệ trẻ hôm nay và mai sau được biết và hiểu về sự kiện đó.

Ngay bây giờ chúng ta đang đứng ở bờ sông Mê Kông, khoảng sông mà lúc đó Hoàng thân Supha Hoàng thân Suphanuvong cùng với một số đồng chí trong đó có đồng chí Lê Thiệu Huy chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trong liên quân Lào - Việt đã cùng lên thuyền vượt sông sang Nakhon Phanom. Trong lúc đang vượt sông không may bị bọn thực dân Pháp dùng súng và máy bay tập trung bắn vào thuyền của Hoàng thân, ngay lúc đó đồng chí Lê Thiệu Huy là người đã lấy thân che đạn cho Hoàng thân Suphanuvong, Đồng chí Lê Thiệu Huy đã hi sinh anh dũng và Hoàng thân Suphanuvong cũng bị thương nặng, Và lúc đó được sự giúp đỡ của nhân dân Nakhon Phanom trong đó có một số thanh niên sang giúp đỡ và nâng đỡ thuyền vượt sang Nakhon Phanom an toàn.

Đây là 1 sự kiện rất quan trọng đã được ghi lại trong lịch sử Lào và chúng ta là thế hệ trẻ là người kế thừa sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước yêu dấu của chúng ta luôn ghi nhớ những công lao của cha ông đi trước, những chiến sĩ đã hi sinh vì đất mẹ của chúng ta.

Hồng Dũng