Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV: Kỳ vọng phát triển sau đại dịch

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 15 đã bế mạc, sau 19 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, hoàn thành tốt đẹp nội dung, chương trình đề ra, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc Hội. Với Nghị quyết cuối cùng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử, nhân dân và đại biểu Quốc hội về môn học Lịch sử là bắt buộc trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông; yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hoá, dịch vụ do nhà nước định giá. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bình ổn giá cả hàng hoá, nhất là giá xăng dầu. Có thể nói, trong 19 ngày qua, những vấn đề bức xúc từ chính cuộc sống thường ngày của người dân đã trở thành những thông tin nóng trong sinh hoạt nghị trường. 

Ông PHẠM VĂN HOÀ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Quốc hội rất tiếp thu ý kiến, phản ánh của người dân vì đó là những ý kiến rất xác đáng, sát thực, phù hợp với thực tiễn. Không một cá nhân hay tổ chức nào cưỡng lại ý kiến của đa số người dân được. ”

Bà NGUYỄN THỊ SỬU, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế:Chất lượng thảo luận ở tổ, ở hội trường tôi đều đánh giá cao, thể hiện trình độ, năng lực, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Vừa là đại biểu dân cử cấp quốc gia nhưng cũng là đại biểu dân cử cấp địa phương, thể hiện 2 vai một cách trọn vẹn.”

Xuyên suốt trong các phiên thảo luận tại hội trường, có một vấn đề được  đại biểu đề cập nhiều nhất, đó chính là vụ Việt Á gây chấn động xã hội, khiến 62 cán bộ, công chức bị khởi tố hình sự. Chẳng hạn, phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 2/6.

Ông NGUYỄN LÂN HIẾU, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Sau cơn bão lớn, việc phục hồi và phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an ninh xã hội sẽ diễn ra như thế nào?”

Phiên thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 2/6.

Ông TRẦN QUỐC TUẤN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Vụ Việt Á không chỉ làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công mà còn thất thoát lãng phí tài sản khác có giá trị quý giá hơn, quan trọng hơn là lãng phí niềm tin của nhân dân.”

Phiên thảo luận về Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) ngày 13/6.

Ông NGUYỄN ANH TRÍ, Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội: “Họ trục lợi, xà xẻo, họ chấm mút, họ chia chác, cơn bão Việt Á đã nổi".

Cho tới phiên thảo luận về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 14/06.

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: “Vụ Việt Á nếu chúng ta thực hiện dân chủ ở cơ sở, ta công khai thông tin, chắc chắn chúng ta không để CDC các tỉnh phải mua với giá như Việt Á bán”.

Điều này cho thấy các vấn đề nổi cộm đã được lồng ghép vào công tác lập pháp và giám sát của Quốc hội, thể hiện ý chí của các đại biểu, làm tăng hơi thở của cuộc sống vào từng dự án luật. 

Ông TRẦN QUANG MINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: “Qua vụ Việt Á thì thấy rằng cần hoàn chỉnh hơn về pháp luật, tạo hành lang pháp lý hết sức rõ ràng. Phải dân chủ, công khai, minh bạch thì sẽ tránh được những vụ như Việt Á và những vụ việc tương tự.”

Trong ngày làm việc cuối cùng, với đa số đại biểu nhất trí, Quốc hội đã thông qua 5 nghị quyết cho 5 dự án giao thông quan trọng, gồm: Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 cho 5 dự án hơn 245.000 tỷ đồng. Cả 5 siêu dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc mà Nghị quyết Đại hội 13 đặt ra. Với sự đột phá chính sách, nhiều cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng đối với các dự án giao thông trọng điểm.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng. Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách, lan tỏa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương.”