Kinh tế Việt Nam với bài toán cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng

Để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất điều hành nhằm giảm tổng cầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt một cách dập khuôn sẽ không mang lại hiệu quả như những giai đoạn lạm phát trước.

Tại buổi hội thảo có tiêu đề “Lạm phát, lãi suất và chứng khoán” do Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam và Công ty chứng khoán Nhất Việt tổ chức, các chuyên gia đã phân tích và đưa ra những khuyến nghị cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và đánh giá tác động của chính sách đến thị trường chứng khoán. 

Trong khi tại các nước khác như Mỹ hay Canada sự phục hồi kinh tế diễn ra sớm hơn Việt Nam, sự gia tăng của cả tổng cung và tổng cầu được cho là nguyên nhân của tình trạng lạm phát tăng cao thì tại Việt Nam nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát là do chi phí đẩy. Vì vậy để kiểm soát lạm phát trong quá trình nền kinh tế đang phục hồi, việc cần làm là cân bằng giữa hai mục tiêu kiểm soát lạm phát và tăng trưởng.

TS. NGUYỄN BÍCH LÂM, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: “Trong kinh tế bao giờ cũng có sự đánh đổi, nếu tăng trưởng năm nay trên 6,5% và lạm phát trên dưới 4% thì đã là kỳ tích thành công. Nếu chúng ta dùng giải pháp quá thắt chặt để kiểm chế lạm phát dưới 4% thì sẽ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế, các gói hỗ trợ của chúng ta sẽ kém hiệu quả.”

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng một cách thận trọng nhằm duy trì ổn định lãi suất và tỷ giá sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi đồng thời không tạo thêm sức ép lên tình trạng lạm phát.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia: “Thị trường chứng khoán được hưởng những lợi ích từ việc tăng trưởng kinh tế vĩ mô khá tốt lạm phát thấp cộng với việc sắp tới đây có một hệ thống thanh toán mới. Theo tính toán hệ thống này sẽ tạo cho thị trường một xung lực lớn và có thể làm cho thị trường tăng lên khoảng vài ba tỷ đô la.”

Các chỉ số cân đối lớn về cơ bản đã trở về trạng thái trước dịch Covid. Tăng trưởng kinh tế được nhiều chuyên gia dự báo ở mức 6,5% đến 7% trong năm 2022. Sự phục hồi về kinh tế cùng với những chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá phù hợp sẽ thu hút nguồn vốn quay trở lại kênh đầu tư này.

Sỹ Cường