Kinh nghiệm từ thẩm tra một dự luật khó

Nhìn lại quá trình thẩm tra hoàn thiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cho thấy, Ủy ban Xã hội vừa kế thừa vừa đổi mới. Bên cạnh luôn tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình chủ trì thẩm tra, Ủy ban cũng chủ động trong cách làm để hoàn thành nhiệm vụ, khẳng định vai trò.

Luật càng khó, vấn đề càng phức tạp việc lấy ý kiến càng được Ủy ban tiến hành kỹ lưỡng, thận trọng; tận mắt chứng kiến, trực tiếp lắng nghe…. Không gì quý hơn là những căn cứ đến từ thực tiễn, cũng vì thế việc khảo sát luôn được Ủy ban coi trọng.

Với dự án luật quan trọng, việc lấy ý kiến được Ủy ban tổ chức nhiều lần, tại nhiều địa phương, với sự tham gia của nhiều thành phần; đặc biệt với các vấn đề lớn, việc lấy ý kiến được Ủy ban thiết kế khoa học thành những chuyên đề cụ thể. Và ngay những gợi mở ban đầu tại mỗi cuộc làm việc, Ủy ban đều chủ động xác định những nội dung trọng tâm, trọng điểm cần được góp ý, mổ sẻ chuyên sâu. Bên cạnh coi trọng lấy ý kiến chuyên gia, đối tượng chịu tác động, Ủy ban cũng huy động và phát huy tối đa trí tuệ tập thể, vai trò trách nhiệm của các thành viên Ủy ban, các đại biểu Quốc hội.

Sau mỗi cuộc lấy ý kiến, với tinh thần nghiêm túc tiếp thu, cầu thị chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Xã hội luôn tích cực phối hợp chặt chẽ, tích cực với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện các nội dung dự thảo luật.

Luôn phát huy tinh thần tích cực, chủ động, có sự phân công rõ trách nhiệm, xác định tiến độ công việc; Nhờ đó các báo cáo thẩm tra và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật do Ủy ban chuẩn bị đều bảo đảm chất lượng. Những kinh nghiệm đúc rút từ việc thẩm tra dự luật khó như Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã tạo động lực giúp Ủy ban nỗ lực hơn nữa trong hoàn thành nhiệm vụ được giao phó thời gian tới.

Cao Hoàng