Làm thế nào để văn học Việt Nam vươn ra thế giới?

Dịch văn học là chiếc cầu nối văn hóa của mỗi dân tộc ra thế giới. Chúng ta đã có nhiều tác phẩm văn học nước ngoài ở Việt Nam nhưng làm thế nào để văn học Việt Nam có mặt ở nước ngoài, làm thế nào để bạn bè thế giới hiểu về phong tục tập quán, lối sống, lối suy nghĩ, tình cảm, ước mơ của người Việt Nam vẫn đang là một dấu hỏi, một khoảng trống lớn.

Nhà văn Kiều Bích Hậu cùng với nhóm nữ dịch giả Hà Nội, đã và đang cố gắng lấp đầy khoảng trống này với giấc mơ hình thành một cộng đồng dịch thuật mang văn học Việt Nam đến với bạn bè thế giới. 

Giống như nhiều nhà văn luôn luôn khát khao vươn tới khám phá đời sống tâm hồn con người, mong muốn con người có thể thấu hiểu, chia sẻ nhau nhiều hơn, Kiều Bích Hậu luôn trăn trở về môt vấn đề: Người nước ngoài biết gì về văn chương Việt, tâm hồn Việt, con người Việt và làm thế nào văn chương Việt, tâm hồn Việt, con người Việt có thể đến với bạn bè thế giới? Biến trăn trở bằng hành động, Kiều Bích Hậu lặng lẽ bắt tay vào tìm kiếm, kết nối và dịch thuật.

Nhà văn KIỀU BÍCH HẬU: "Năm 2019 tôi mới bắt đầu bắt tay vào dịch văn học tôi kết nối với một số các nhà văn, nhà thơ của nước ngoài và ban đầu mình cũng đã làm cho họ đã, mình dịch tác phẩm của họ và đăng trên một số báo chí của Việt Nam về văn học. Sau đó tôi có đề nghị lại các bạn là liệu có thể đăng tác phẩm của Việt Nam được hay không? Ban đầu tôi cũng thử gửi những truyện ngắn của mình thì đã được đăng, các bài thơ tôi viết đã được đăng. Thậm chí 1 tập thơ đầu tay của tôi cũng đã được dịch sang tiếng Ý và xuất bản ở Ý. Từ niềm vui đó tôi nghĩ ồ tác phẩm đầu tiên của mình đã được lên Amazon, tôi mong muốn là niềm vui ấy, mình có thể làm cho mọi người và các đồng nghiệp của mình."

Nhà báo TRẦN QUANG ĐẠO - Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhi Đồng: "Cô Kiều Bích Hậu có quen 1 nhà thơ Hunggary và giới thiệu cuốn sách của tôi đoạt giải. Anh Sando anh bảo ồ thế thì chuyển sang để chúng tôi dịch ra tiếng Hung và in tiếng Hung. Thông qua những dư luận và những bạn đọc bên đó và hiệu ứng cuốn sách thì ở bên Hungary họ đã trao giải thưởng cho tôi và anh Bảo Ninh và cô Kiều Bích Hậu cũng đạt giải thưởng cho việc chăm sóc mối quan hệ dịch giả của hai nước."

Và thế là nhóm nữ dịch giả Hà Nội ra đời. Nhóm quy tụ những con người vừa trẻ trung vừa tài năng, năng động. Đó là Kiều Bích Hậu, Khánh Phương, Đỗ Mai Hòa, Võ Thị Như Mai, Phạm Vân Anh cùng một số cộng tác viên. Điều đáng nói, họ là những người đều biết từ 1-2 ngoại ngữ, yêu thích văn chương, khao khát đưa tiếng nói văn chương của mình và bạn bè đồng nghiệp ra với thế giới.

Đại tá TRẦN NGỌC ĐOÀN – Trưởng phòng phát hành sách NXB Quân đội Nhân dân: "Trong thời đại 4.0 hiện nay, việc người ta xem trái đất như một ngôi làng nhỏ là chuyện đã quá bình thường trong khoa học kỹ thuật, trong truyền thông nhưng đối với văn học ảnh hưởng bởi những yếu tố như phong tục tập quán do cách viết, cách cảm nhận thì rất cần những người như nhóm văn học dịch nữ Hà Nội để kết nối văn học Việt Nam với các nước bạn."

Sau hai năm thành lập, vượt qua rất nhiều khó khăn về kinh tế, về con người, với tinh thần làm việc phi lợi nhuận, Nhóm nữ dịch giả Hà Nội đã làm được một khối lượng công việc đáng nể phục. Dịch hàng chục đầu sách, hàng trăm tác phẩm văn học Việt Nam để đăng trên các tạp chí văn học ở nhiều nước bạn.

Nhà văn KIỀU BÍCH HẬU: "Hiện nay tôi cũng muốn sẽ tìm kiếm thêm những dịch giả, các mảng tiếng nước ngoài, ngoài tiếng Anh ... nhưng họ cũng cần phải trong thời gian ban đầu là sẵn sàng dịch với mức kinh phí hỗ trợ để bước đầu khai phá, đưa văn học Việt Nam sang các quốc gia đó."

Một cộng đồng dịch thuật văn học Việt Nam ra thế giới đầy sức mạnh chính là cây cầu nối văn hóa hữu hiệu nhất đưa vẻ đẹp tâm hồn, khát vọng của Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Chúng tôi những người thực hiện chương trình này chúc cho nhóm nữ dịch giả Hà Nội ngày càng phát triển để thực hiện được sứ mệnh đặc biệt đối với văn học Việt, văn hóa Việt.

Văn Thắng