• 1011 lượt xem
  • 14:20 18/07/2022
  • Kinh tế

Kiểm soát lạm phát nhưng đừng làm chậm đà tăng trưởng

Theo các chuyên gia tài chính, kinh tế, Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề kiểm soát lạm phát, nhưng không nên quá sợ lạm phát mà bỏ qua cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh nhiều biến động trong nước và thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2022 tăng trưởng 7,72%, cao nhất trong hơn 1 thập kỷ. GDP 6 tháng đầu năm cũng tăng 6,42%. Kết quả này là minh chứng cho bức tranh kinh tế khởi sắc rõ nét và nhiều lĩnh vực đang đà phục hồi mạnh mẽ. Diễn biến giá nhiên liệu và kinh tế thế giới phức tạp, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách kịp thời về thuế, lãi suất, trái phiếu … giúp ổn định kinh tế vĩ mô. 

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Tp Hồ Chí Minh:Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hiệu quả, sử dụng tốt công cụ lãi suất, tỷ giá, hạn mức tín dụng, thị trường mở … để ổn định lãi suất, thị trường tiền tệ, kềm chế lạm phát, yếu tố nền tảng để thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các gói hỗ trợ của Chính phủ, hoàn thành mục tiêu kép là ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế”.

 Trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 11,7% cho thấy cầu tiêu dùng của người dân đã hồi phục, thu nhập ổn định. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt 371,2 tỉ USD, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%, ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

Ông PHẠM CHÍ QUANG, Phó Vụ Trưởng phụ trách, Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước: “Lãi suất huy động, cho vay của chúng ta tăng rất nhẹ 0,09%, tỷ giá đồng Việt Nam rất  ổn định, mất giá 2% so với đồng tiền khác, chúng ta thấy Ngân hàng Nhà nước thực hiện đúng tôn chỉ là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát”.

Nhiều yếu tố tác động làm tăng chỉ số CPI như giá xăng dầu điều chỉnh 16 đợt, tăng 51,83% so với cùng kỳ, dẫn đến giá cả nhiều hàng hóa tăng theo. CPI bình quân 6 tháng tăng 2,44%, đây là thành công của Việt Nam trong kiểm soát lạm phát. Dù được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại rất lớn do giá nhiên liệu vẫn ở mức cao, tình hình kinh tế thế giới phức tạp ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng sản xuất. Cùng với các gói hỗ trợ tăng trưởng, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phục hồi mạnh hơn trong 6 tháng còn lại, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ ổn định giá cả hàng hóa.

Tiến sĩ ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia kinh tế: “Trong ngắn hạn, chúng ta cố gắng hỗ trợ nhiều nhất cho các đối tượng chịu tác động. Ở đây, các đối tượng bị tác động nhiều nhất là người lao động, nằm trong các chi phí lương thực, thực phẩm, vận chuyển… Về trực tiếp, Quốc hội cần cố gắng giảm tối đa các khoản thuế, môi trường xăng dầu, trong ngắn hạn, để giảm bớt các khoản phải gánh chịu”.

Dự báo, kinh tế quý III và quý IV tiếp tục tăng trưởng cao, cả năm sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu đề ra 6 - 6,5%. Các chuyên gia kinh tế nhận định, cần chú ý vấn đề kiểm soát lạm phát, nhưng cũng không nên sợ lạm phát một cách thái quá. Để làm tốt, Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường các công cụ điều hành giá, quản lý tài chính, tín dụng, giải ngân vốn đầu tư công… để giữ sức tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Nguyễn Sơn