Không được đòi nợ sau 21h, không đe doạ con nợ: Yêu cầu liệu có khả thi?

Không được đòi nợ sau 21h, công ty tài chính không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa - đây là thông tin được Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. Liệu những yêu cầu này có khả thi trong thực tế?

Trên thực tế Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đã có quy định về Biện pháp thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng. Theo đó không được đe dọa đối với khách hàng, và số lần nhắc nợ tối đa 05 lần/01ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7h đến 21h. Tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều bất cập.

Bạn PHƯƠNG THANH, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội: 

“Tôi cũng là 1 người bị làm phiền bởi các cuộc gọi đòi nợ. Tôi nghĩ chắc do bạn bè hoặc người thân đã lấy số điện thoại của mình làm số tham chiếu khi đi vay tiền. Tôi thấy các cuộc gọi trong ngày và bị làm phiền rất nhiều, rất không thoải mái. Tôi mong có thể kiểm soát hơn về thông tin người vay tiền bởi trải nghiệm qua các cuộc điện thoại đòi nợ thật sự không thích thú một chút nào. Có những cuộc gọi từ sáng đến tận đêm.”

Chị KHÁNH AN, Quận Long Biên, thành phố Hà Nội: 

“Tôi mong vấn đề này cần siết lại hơn nữa, tôi không phải người vay tiền. Giờ anh vay ai thì đến đòi người đấy. cứ nửa đêm nửa hôm gọi điện tôi cảm thấy rất phiền cho bản thân, còn gia đình nữa. Vừa rồi có nghe chất vấn của thống đốc nói không được đòi nợ sau 21h mình thất cũng rất đúng đấy.”

Theo chuyên gia, việc Thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước mới chỉ quy định cho các công ty tiêu dùng cho vay tài chính, còn những hoạt động cho vay, đòi nợ của những doanh nghiệp, cá nhân khác như cầm đồ, hay cho vay ngang hàng lại không được đề cập. Do vậy khi các công ty tài chính thuê công ty khác đòi nợ, vi phạm những quy định tại Thông tư 18, thì Ngân hàng Nhà nước cũng không thể xử lý những công ty đòi nợ thuê vì không quản lý những đơn vị này.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Giám đốc công ty luật ANVI: 

“Bản thân ngân hàng chỉ quy định vc cấm, cách thức đòi nợ với tài chính tiêu dùng, tức là chỉ 1 phần nhỏ thôi, còn cho vay đời sống, dân sự, sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng khác thì hoàn toàn không có quy định gì. Tôi nghĩ rằng cần có hành lang pháp lý chung đối với việc đòi nợ trong đó có quy định cái gì được làm, cái gì không được làm. Nhưng quan trọng hơn đó là cơ chế để kiểm tra, quản lý và xử lý khi xảy ra vi phạm này.”

Rõ ràng thông tư chúng ta đã có nhưng thực tế đang xuất hiện nhiều lỗ hổng. Việc rà soát và sửa đổi các văn bản quy định pháp luật nhằm mang đến sự thống nhất trong cách thức đôn đốc, thu hồi nợ nhằm đảm bảo cho người dân không bị xúc phạm, đe doạ có lẽ cần được triển khai ngay bây giờ.

Văn Thắng