Không để giải ngân vốn đầu tư công là điểm nghẽn của nền kinh tế

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021. Các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm chậm và cho rằng cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của vấn đề này.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng: Trong khi nhiệm vụ giải ngân năm 2022 rất nặng nề thì giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm tiếp tục trì trệ; cần phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của tình trạng này.

Ông NGUYỄN VĂN MẠNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: “Giá xăng dầu tăng cao, nhiều công trình giãn hoãn tiến độ, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Đề nghị Chính phủ có các giải pháp đỗi với vấn đề này. Nếu không giải ngân vốn đầu tư công sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của chúng ta."

Nhiều đại biểu nhấn mạnh: Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Đồng thời, cũng cần khẩn trương hoàn thiện danh mục dự án của các nguồn vốn đầu tư chưa được phân bổ trình Quốc hội.

Ông HOÀNG ĐỨC THẮNG, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Tri: Các chương trình mục tiêu Quốc gia là động lực cho phát triển kinh tế của đất nước, nhưng tất cả vẫn đang nằm trên giấy, chúng ta cần phải quyết liệt trong thời gian tới làm sao phải giải ngân cho được nguồn vốn này. Nếu cứ để tình trạng này thì rất có thể, năm 2022 sẽ không giải ngân được Chính phủ phải cam kết hứa như thế nào để giải ngân nguồn vốn này.”

Ông NGUYỄN THANH HẢI, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: “Cần phải tập trung mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công , kiên quyết điều chỉnh vốn, nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để giải ngân vốn cho các chương trình mục tiêu Quốc gia. Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện rất tốt thì lại không được phân bổ vốn kịp thời."

Nghị quyết 43 năm 2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội ban hành, Chính phủ cần làm rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế, để đầu tư từ ngân sách thực sự là động lực cho tăng trưởng.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Vấn đề ở đây là Quốc hội, Chính phủ quan tâm là chi ngân sách nói chung khó khăn vì khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Một năm chuyển nguồn rất lớn đến 600-700 nghìn tỷ đồng".

Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 04 tháng đầu năm chỉ đạt 16,36%, thấp hơn mức 17,04% so với cùng kỳ năm 2021, giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt xấp xỉ 4,4% kế hoạch, có tới 17 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân.

Nguyễn Duyên