Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vừa qua, các chuyên gia nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối diện với hàng loạt khó khăn chưa có tiền lệ, do đại dịch COVID-19 gây nên. Tăng trưởng kinh tế dưới 3%, thấp nhất trong 30 năm trở lại đây, hàng triệu người lao động bị mất việc làm.
Việc đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo, ưu tiên đầu tư nguồn nhân lực chính là chìa khoá phát triển kinh tế bền vững.
Ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương cho biết, kết quả phân tích cấu trúc liên ngành Input - Output cho thấy, nền kinh tế Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp là chủ yếu; khoa học công nghệ chỉ đóng góp ở mức khiêm tốn 28,44%.
Ông TRẦN TUẤN ANH, Trưởng ban kinh tế Trung ương: “Trình độ công nghiệp của các doanh nghiệp công nghiệp vẫn còn ở mức thấp, phần lớn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam phải nhập khẩu trên 70% máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp; giống một số loại cây trồng. Kinh nghiệm các nước cho thấy, Việt Nam không thể hiện đại hóa thành công nếu chỉ dựa vào FDI”.
PGS.TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: Cần ưu tiên hạ tầng máy móc thiết bị sang ưu tiên đầu tư cho công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và có chế chế tận dụng nhân tài. Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp địa phương đầu tư vào khoa học công nghệ; doanh nghiệp FDI đầu tư lớn vào Việt Nam, xây dựng các trung tâm nghiên cứu chuyển giao".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam tự tin hội nhập nhưng không chủ quan. Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp nhà nước và trong nước tiếp tục tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; phát triển cộng đồng 800.000 doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI ngày càng lớn mạnh, trở thành lực lượng nòng cốt, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập.
Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH: “Tôi cũng đề nghị các nhà đầu tư cần mở rộng, nâng cao quy mô vốn; thứ 2 là đầu tư công nghệ cao; thứ 3 là liên kết doanh nghiệp trong nước để góp phần nâng cao năng lực của họ. Ba điều này là ưu tiên thu hút đầu tư của chúng ta”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng chiến lược để thu hút nhà đầu tư. Ngoài ra, các chính sách pháp luật, cơ chế cần được rà soát, hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng, huy động hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước.
Thực hiện : Quang Duy – Huỳnh Tiến