Khó xác định việc không đóng góp tài chính là hành vi bạo lực gia đình

Theo đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang), cần xác định rõ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình gồm những ai, nguồn lực tài chính dùng bồi thường thiệt hại là tài sản chung hay riêng.

Điểm q, khoản 1, Điều 4 dự thảo luật quy định về hành vi bạo lực gia đình đã xác định có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp, cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ. Trong thực tiễn hiện nay, chưa có văn bản quy định nào của pháp luật cụ thể về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong gia đình. Ai là người đóng góp tài chính trong gia đình, phải đóng góp như thế nào, đóng góp bao nhiêu cho gia đình, gia đình nào phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính, những thành viên trong gia đình là những ai phải đóng góp?

Căn cứ vào đâu để xác định có khả năng phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp là một hành vi bạo lực gia đình? Tôi cho rằng nếu muốn quy định về điều khoản này chỉ cần phải có một cơ chế các quy định pháp luật bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng thì mới có thể thi hành trên thực tế.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay cho phép công dân có quyền sở hữu định đoạt tài sản riêng của mình, trong đó cụ thể là Luật Hôn nhân và gia đình cho phép vợ chồng phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Nếu chiếu theo quy định của dự thảo luật thì ngay chính bản thân tôi khi đọc điều khoản này - không đóng góp tài chính - tôi không hiểu được là căn cứ lý do nào, cơ chế nào xác định không đóng góp tài chính là một hành vi bạo lực? Hành vi này có áp dụng đối với tất cả các thành viên trong gia đình hay không? Hay chỉ áp định áp dụng giữa vợ và chồng, giữa cha và mẹ? Tôi nghĩ rằng, luật cần phải quy định cụ thể hóa một cách rõ ràng đầy đủ hơn.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam