Khó thu hút nhân lực do ra khỏi diện đặc biệt khó khăn

Ngày 11/03, Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá tác động Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định 612 của Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phân định vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển, làm việc tại Thanh Hoá. Ý kiến từ thực tiễn của địa phương cho rằng với tác động của quyết định này sẽ khó thu hút được nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số.

Do chính sách sát nhập địa giới hành chính cùng với những tác động của quyết định 861 và quyết định 612, tỉnh Thanh Hoá giảm 79 xã khu vực III, 59 xã khu vực II, số thôn đặc biệt khó khăn giảm 549 thôn so với giai đoạn trước. Sự thay đổi này tác động trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số. So với giai đoạn trước số lượng các đối tượng bị giảm từ 50 -70%. Một trong những vấn đề khó khăn nhất là việc thu hút và tuyển dụng nhân lực cho vùng này. Việc hạn chế thu nhập cũng tác động đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ công nhân viên chức vì họ luôn tìm cách kiếm thêm thu nhập, không toàn tâm toàn ý cho công việc, hơn nữa việc thu hút nguồn nhân lực cho vùng này cũng vô cùng khó khăn.

Ông CẦM BÁ ĐỨNG, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá: “ Khoảng hơn 6000 cán bộ, giáo viên bị ảnh hưởng bởi chính sách này, họ bị mất phụ trách và phụ cấp nghề giảm hơn 1 nửa thu nhập của họ, ảnh hưởng rất lớn đời sống cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh có đề án nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, huyện cũng đang triển khai rất nhiều nhưng từ ngày quyết định 861 có hiệu lực, việc vận động giáo viên đi các vùng này vô cùng khó khăn.”

Ông PHẠM VĂN TUẤN, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá: “Giáo viên rất tâm tư, giảm đến 70% thu nhập so với trước khi thực hiện 861. Vừa rồi tuyển dụng giáo viên Lang Chánh tuyển không đủ, tỉnh cho chỉ tiêu 54 giáo viên bổ sung cho toàn huyện nhưng chúng tôi chỉ tuyển được 30, các huyện lân cận không lên nên không thu hút được. Dự báo thời gian tới còn khó khăn hơn.”

Theo quyết định 861, cả nước có 406 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trong đó Thanh Hoá đã có đến 79 xã, những xã thuộc diện nông thôn mới ra khỏi diện này cũng cần phải tính toán về các chế độ liên quan đến con người. 

Ông LÊ MINH HÀNH, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá: “Đối với xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển khi lên nông thôn mới là cắt chế độ của giáo viên, cán bộ, bộ đội biên phòng, nhưng ở khu vực miền núi lại khác. Trước mắt không nên cắt chế độ để thu hút giáo viên, cán bộ về công tác. Đến một thời điểm nhất phải cắt nhưng phải có lộ trình.

Bà TRẦN THỊ HOA RY, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Khi đánh giá khó khăn của vùng dân tộc thiểu số miền núi là nguồn nhân lực không thể bằng các vùng khác. Từ đó mới có chính sách thu hút nguồn nhân lực cho giáo dục đào tạo, bộ máy chính trị. Hiện nay, do chính sách này đã tác động tiền lương họ không đủ sống nên họ đang xin nghỉ chuyển sang ngành khác, không tuyển đủ giáo viên phải làm rõ để có kiến nghị.”

Để giải quyết những bất cập trong việc ban hành các quyết định này, một số đại biểu đã đưa ra các giải pháp như: tiếp tục thực hiện các chính sách liên quan đến con người, rà soát lại các danh sách xã đặc biệt khó khăn theo tiêu chí giảm nghèo hiện nay hoặc là thực hiện việc cắt giảm các chính sách này theo lộ trình để giảm thiểu những tác động của Quyết định 861 và Quyết định 612./.

Phan Xanh