Khó giảm nghèo theo chuẩn mới

Quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 đã tạo cơ hội giúp người nghèo tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên, các tiêu chí đánh giá chuẩn mới cao hơn trước đã khiến công tác xóa đói, giảm nghèo ở miền núi lại gặp khó khăn.

Năm 2021 gia đình anh Ma Seo Thào thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Thế nhưng, chưa đầy một năm sau, theo qui định về chuẩn nghèo mới thì anh Thào lại xếp vào diện hộ nghèo, mặc dù mức thu nhập của gia đình vẫn giữ nguyên.

Anh MA SEO THÀO, Thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai: “Trồng sắn xong trồng chuối nhưng bây giờ chuối không làm được nên giờ chỉ làm tý ruộng, trồng ngô giúp gia đình. Cuộc sống giờ cũng khó khăn lắm.” 

Năm 2020, xã Trịnh Tường chỉ còn 8% hộ nghèo. Tuy nhiên sau khi rà soát theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo lại tăng lên gần 50%. Trong khi tư liệu sản xuất vẫn giữ nguyên thì việc giảm nghèo theo tiêu chí mới là rất khó khăn cho các địa phương miền núi.

Ông PHẠM VĂN HƯNG, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai: “Mức này tương đối là cao so với các xã vùng cao. Bởi người dân , đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới thì người dân sản xuất nông nghiệp là chính nên để đánh giá theo tiêu chí mới khó để đạt được.” 

Nhiều địa phương vùng cao cũng đã phải lùi thời gian về đích nông thôn mới để thực hiện lại tiêu chí thu nhập, đáp ứng yêu cầu theo chuẩn nghèo mới. Điển hình như huyện Mường Khương, với tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 70%. Lộ trình phấn đấu các xã về đích nông thôn mới là một bài toán khó đối với địa phương.

Ông GIÀNG QUỐC HƯNG, Bí thư Huyện ủy Mường Mương, tỉnh Lào Cai: “Từ nay đến hết nhiệm kỳ c òn 3 năm nữa chúng tôi phấn đấu thêm 3 xã về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, theo áp chuẩn mới của các Bộ và Nông thôn mới Quốc gia thì đây là tiêu chí đặt ra rất cao và rất khó thực hiện trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.”

Theo chuẩn nghèo mới thì tỉnh Lào Cai có 25% hộ nghèo, tức là tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 2016-2020. Chuẩn nghèo đa chiều mới giúp người nghèo có cơ hội bảo đảm mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản . Tuy nhiên, với địa bàn vùng núi, biên giới thì đây chính là áp lực rất lớn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ông ĐINH VĂN THƠ, Phó Giám đốc Sở LĐTB và Xã hội tỉnh Lào Cai: “Tiêu chí cao hơn thì mức phấn đấu cũng phải cao hơn trong khi đó thì các điều kiện, hỗ trợ khác thì chúng tôi thấy rằng chưa có nhiều thay đổi, việc mà người dân thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm rồi thu nhập không ổn định. Đó chúng tôi đánh giá đây là những nguyên nhân mà dẫn đến những đói nghèo là chính.” 

Với khu vực miền núi nếu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì rất khó khăn so với các tỉnh miền xuôi. Không chỉ riêng tiêu chí thu nhập mà các tiêu chí về dịch vụ xã hội như: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin cũng rất khó để đạt chuẩn.  

Hồng Ngọc