Khi nào cước vận tải trong nước có sự đồng hành cùng với giá xăng?

Để giá xăng dầu trong nước tiệm cận giá thế giới như mục tiêu đặt ra, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Thế nhưng, chu kỳ ngắn bao nhiêu thì độ trễ của việc điều chỉnh giá cước vận tải lại càng lớn bấy nhiêu. Bởi việc thay đổi giá cước còn quá nhiều thủ tục, tốn rất nhiều thời gian của các doanh nghiệp vận tải.

Lâu nay, sau mỗi lần giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng, hoặc giảm, người dân thường đặt câu hỏi là liệu cước vận tải trong nước có sự đồng hành cùng với giá xăng? Tuy nhiên với quy trình điều chỉnh giá cước vận tải hiện nay, thì không đơn giản chỉ là thay đổi về con số. Mà đó còn là vô vàn thủ tục đi kèm khiến giá cước vận tải luôn có những độ trễ nhất định.

Đối với doanh nghiệp taxi - một trong những loại hình vận tải chịu tác động nhanh nhất của giá xăng dầu, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng ít nhiều sẽ có tác động đến việc điều chỉnh giá cước taxi.

Theo các chuyên gia, việc các cơ quan quản lý nhà nước đang can thiệp quá sâu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong vấn đề duyệt giá cước đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt hơn là khó đảm bảo sự công bằng về chi phí người dân phải chi trả.

Chỉ khi những rào cản, vướng mắc trong việc tăng, giảm giá cước được gỡ bỏ, cùng với việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu thì các doanh nghiệp vận tải mới có thể hoạch định giá cước vận tải sát hơn với biến động của giá xăng dầu. Đồng thời nếu sự dự báo chính xác và quỹ bình ổn xăng dầu trong nước hoạt động hiệu quả thì để các doanh nghiệp sẽ không bị rơi vào thế bị động trong hoạt động kinh doanh sản xuất.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!  

Việt Hà