Khi luật có hiệu lực nhưng thiếu hướng dẫn thi hành

Đã có tiền lệ, tình trạng luật đã ban hành nhưng chờ nghị định, thông tư hướng dẫn tới vài năm gây ảnh hưởng tới việc triển khai thực hiện thi hành luật. Từ 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực nhưng đến hiện tại, vẫn chưa có bất cứ 1 nghị định -thông tư hướng dẫn nào được ban hành.

Sau 4 lần sửa đổi, Luật bảo vệ môi trường 2020 có 171 điều và được đánh giá có nhiều nội dung mới và tiến bộ. Tuy nhiên, dù có hiệu lực vẫn phải “chậm” thi hành vì vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật.

Chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật, phối hợp giữa các cơ quan cũng như ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

Ông Nghiêm Vũ Khải - Nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội : Không ban hành văn bản quy phạm quy chuẩn tiêu chuẩn thì anh cũng không có căn cứ để mà phạt người ta và như vậy thì tình hình ô nhiễm môi trường sẽ vẫn tiếp tục diễn ra và chúng ta không có gì chế tài lại cung cấp độ khác quyền của công dân quyền của tổ chức người ta được làm nhưng mà theo hướng dẫn của bộ hay hướng dẫn của chính phủ nhưng mà chính phủ và bộ không hướng dẫn thì người ta không thể triển khai được… hoạt động kinh tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuộc sống sinh hoạt và như vậy ảnh hưởng đến quyền và lợi ích người ta.

Theo Quyết định 34 ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ có 13 Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020. Phóng viên Truyền hình Quốc hội đã liên lạc với Tổng cục Môi trường về vấn đề này nhưng cơ quan xây dựng các văn bản hướng dẫn chuẩn bị điều kiện triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020  cho biết, các văn bản đang được đang chỉnh lý kỹ thuật và hẹn hôm khác sẽ trả lời.

Phóng viên Bích Hạnh : Cho dù các Nghị định thông tư hướng dẫn đang chỉnh lý thật đi chăng nữa thì các văn bản ký xong phải sau 45 ngày mới có hiệu lực. Rồi phải tập huấn, trong quá trình triển khai, làm mà vướng đến đâu thì phải tiếp tục điều chỉnh, cho đến khi vận hành trơn chu thì mới có thể triển khai Luật một cách đồng bộ, hiệu quả. Câu hỏi đặt ra là liệu quý 1, 6 tháng đầu năm hay mất cả năm 2022, Luật mới đi vào hoạt động thực chất và việc chậm trễ gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, cá nhân, tập thể nào sẽ chịu trách nhiệm? 

Thống kê cho thấy có hơn 60% văn bản hướng dẫn thi hành Luật chậm ban hành và vấn đề này hiện vẫn chưa khắc phục được. Luật chậm đi vào cuộc sống hoặc không phù hợp với cuộc sống đồng nghĩa với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng.

Ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia Kinh tế : Phải quy định của chính phủ và bộ ngành là trong thời gian chậm nhất là bao nhiêu phải có các nghị định và thông tư hướng dẫn không có cho nên việc để trôi đi và chúng ta không có nhắc nhỏ nhiều tôi cho là trách nhiệm kể cả đôn đốc của chính phủ chỉ vì có bộ phải tự giác để làm vấn đề này phải nhận thức vấn đề môi trường là cấp 100 để chúng ta làm và rõ ràng phải kiểm điểm để làm rõ vấn đề này.

Vướng mắc lớn nhất khi chậm ban hành nghị định, thông tư chính là về thủ tục hành chính. Trong khi đó, Luật( sửa đổi) đã có hiệu lực, không thể tiếp tục thực hiện theo các hướng dẫn của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014. Như vậy các vấn đề liên quan đến cấp hồ sơ thủ tục như  giấy phép môi trường, Bảo vệ Môi trường, đăng ký môi trường cấp xã… sẽ phải đình lại. 

Phóng viên Bích Hạnh : Không có hướng dẫn, chắc chắn các tổ chức, doanh nghiệp sẽ loay hoay vì không biết phải nộp những hồ sơ, giấy tờ gì, các cơ quan hành chính lại càng không thể tiếp nhận vì thiếu trình tự hướng dẫn. Trong khó khăn chung của cả nước khi dịch bệnh kéo dài, trong mục tiêu của Chính phủ là đẩy mạnh phát triển kinh tế thì các cơ quan hành chính nhà nước và các doanh nghiệp lại ngồi chơi chỉ vì thiếu những tờ giấy A4 đóng dấu đỏ mang tên Nghị định, thông tư.

Câu chuyện Luật có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chờ các văn bản hướng dẫn chi tiết, đã kéo dài nhiều năm qua, dẫn đến khó thi hành. Một cơ chế mạnh để thúc các Bộ ngành không được nợ văn bản hướng dẫn thi hành luật, cần được đưa ra Quốc hội.