Khảo sát việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai ở Ninh Bình

Ngày 6/7, tổ công tác thuộc đoàn giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã có buổi khảo sát tại tỉnh Ninh Bình, 1 trong 15 địa phương được lựa chọn thực hiện giám sát chuyên đề về lĩnh vực này. Nông trường Phùng Thượng và cảng cạn ICD Phúc Lộc là 2 địa điểm được tổ công tác lựa chọn để nắm bắt cụ thể những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng nguồn lực đất đai tại địa phương.

Theo kết luận 465 của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại tỉnh Ninh Bình, Công ty giống bò thịt sữa Yên Phú được chuyển đổi sang công ty cổ phần từ thời điểm tháng 1/2006. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, UBND tỉnh Ninh Bình cùng cơ quan chức năng đã không kịp thời tiến hành rà soát, kê khai việc sử dụng đất, không xác định diện tích đất công ty được tiếp tục giữ lại để chuyển sang hình thức cho thuê đất, không thu hồi các diện tích đất công ty không còn nhu cầu sử dụng theo quy định. 

Hiện vẫn còn khoảng 304 ha đất nông nghiệp, do hơn 400 hộ dân nhận giao khoán trước đây sử dụng, mặc dù đã hết hạn giao khoán từ 2015, nhưng không hợp tác để ký hợp đồng giao khoán mới hoặc bàn giao lại đất cho công ty. Tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp đất đai, khiếu nại khi nhà nước thu hồi đất.

Ông LƯƠNG MINH TÙNG, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú: “Các hộ dân được nhận khoán đều có hợp đồng và thời hạn kết thúc từ 2015 rồi. Nhưng nếu giờ thuê đất, họ cứ đòi đền bù, tiền hoa màu trên đất thì công ty có thể cố làm được, nhưng còn tiền đất đền bù thì chúng tôi lăn tăn là đất đang được Nhà nước cho thuê sử dụng, giờ đền bù cho chính đất của mình được giao thì không phù hợp.”

Ông TRẦN SONG TÙNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình: “Việc tiếp nhận và quản lý đất đai thì là trách nhiệm của địa phương nhưng công ty thì gần như trực thuộc bộ hết nên quá trình cổ phần hóa như thế nào thì chúng tôi cũng không nắm được.”

Trong khi đó, ở cảng cạn ICD Phúc Lộc Ninh Bình, mặc dù được đánh giá là “cánh tay nối dài”, san sẻ áp lực, giúp cảng sông, biển gia tăng tốc độ giải phóng hàng hóa nhưng qua khảo sát vẫn còn nhiều hạn chế trong sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Việc quy hoạch chưa tính đến kết nối là một trong những nguyên nhân khiến cảng cạn chưa phát huy tốt nhất tiềm năng vốn có.

Ông HOÀNG MẠNH THẮNG, Trưởng phòng Đầu tư, Công ty Cổ phần Phúc Lộc: “Chủ đầu tư đã xây dựng 6 nhà chứa hàng, xây dựng 5 nhà rồi, toàn bộ công trình cũng đảm bảo xếp dỡ, nhưng do trong quá trình hoạt động, do lượng hàng hóa qua cảng hạn chế, nên nhà chưa sử dụng hết nên chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng các nhà còn lại.”

Cũng trong ngày hôm nay (6/7), tổ công tác thuộc đoàn giám sát  có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đoàn đã ghi nhận, tổng hợp các vấn đề vướng mắc tại địa phương bám sát theo nội dung của Luật Thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, nhất là các nội dung về quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Thanh Nga