Khai mạc Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách

Sáng 07/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ , Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách (ĐBQHCT) thảo luận về một số dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hội nghị ĐBQHCT không chỉ là một quy trình trong hoạt động lập pháp, mà còn là diễn đàn thể hiện rõ nhất quyền và trách nhiệm của ĐBQH hoạt động chuyên trách. Việc tổ chức Hội nghị là cần thiết, thể hiện quyết tâm của UBTVQH nhằm phát huy tối đa vai trò, trí tuệ, tính dân chủ của ĐBQHCT trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã tổ chức thành công 04 kỳ họp, ban hành 8 luật, cho ý kiến 07 dự án luật khác, ban hành 62 nghị quyết với sự thống nhất, đồng thuận cao. Đây là kết quả của quá trình phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm của UBTVQH, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, kết hợp với việc phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của cử tri và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học…; trong đó, có sự đóng góp quan trọng, tích cực, trách nhiệm, tâm huyết, hiệu quả của các vị ĐBQH nói chung và ĐBQH hoạt động chuyên trách nói riêng.

Phát biểu gợi mở một số nội dung, đề nghị các vị ĐBQH cho ý kiến về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch QH đề nghị ĐBQH tiếp tục quan tâm, thể hiện rõ chính kiến, quan điểm về nội dung điều chỉnh việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; việc cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng và cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thảo luận, thể hiện rõ quan điểm về phương thức cấp phép; cấp lại giấy phép sử dụng băng tần, làm rõ vì sao từ khi Luật có hiệu lực đã gần 12 năm vẫn không thực hiện được việc đấu giá, thi tuyển để cấp phép; về quy định về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế ..

Về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung thảo luận về thẩm quyền và điều kiện cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh; cách thức chuyển tuyến, kết nối các tuyến khám, chữa bệnh; việc phân cấp đối với cơ sở y tế tư nhân; cơ chế tài chính, giá dịch vụ; xã hội hóa, tự chủ trong khám, chữa bệnh.....

Về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị thảo luận, làm rõ: nhận diện các hành vi bạo lực gia đình; việc mở rộng với một số nhóm đối tượng không còn trong quan hệ hôn nhân, gia đình; đặc biệt về biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”

Về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị cho ý kiến vào hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; giải pháp đảm bảo tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra; việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tại cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước…

Về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), nhấn mạnh đây là dự án khó, phức tạp, nội dung sửa đổi nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung thảo luận về các điều kiện cần và đủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 01 kỳ họp; về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế; tính khả thi khi triển khai thực hiện…

Về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến về: quyền tranh luận của ĐBQH; nguyên tắc, tiêu chí tranh luận trong hoạt động chất vấn; tiêu chí, điều kiện để CTQH, PCTQH điều hành phiên họp được linh hoạt điều chỉnh, rút ngắn thời gian phát biểu của ĐBQH, mời ĐBQH phát biểu, chất vấn, tranh luận không theo thứ tự đã đăng ký; thẩm quyền tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội …

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Hội nghị ĐBQHCT không chỉ là một quy trình trong hoạt động lập pháp, mà còn là diễn đàn thể hiện rõ nhất quyền và trách nhiệm của ĐBQH hoạt động chuyên trách. Việc tổ chức Hội nghị là cần thiết, thể hiện quyết tâm của UBTVQH nhằm phát huy tối đa vai trò, trí tuệ, tính dân chủ của ĐBQHCT trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật và chức năng nhiệm vụ của QH; đồng thời, việc tổ chức Hội nghị cũng phù hợp với xu hướng đổi mới, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội".

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQHCT với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, tham gia đầy đủ các phiên họp, thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa thực tiễn với lý luận, giữa tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân với các quyết sách trình Quốc hội xem xét thông qua; tranh thủ tối đa thời gian, cơ hội để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo.