Đại biểu Nguyễn Trường Giang: Tính bất thường ở nội dung vĩ mô, cấp bách

Theo chương trình dự kiến kỳ họp bất thường lần thứ Nhất này, Quốc hội sẽ tổ chức theo hình thức họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội. Trước phiên khai mạc, THQHVN kết nối trực tiếp với phóng viên Thùy Trang tại Nhà Quốc hội về thông tin cụ thể, các điểm nhấn đáng chú ý của kỳ họp.

9h sáng ngày 4/1 phiên khai mạc Kỳ họp bất thường thứ nhất của nhiệm kỳ Quốc hội Khoá 15 sẽ diễn ra. Nối tiếp thành công của 2 kỳ họp trước, Kỳ họp bất thường này diễn ra trong bối cảnh cả nước đang từng bước trở về trạng thái "bình thường mới", vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Để góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, kỳ họp diễn ra nhằm có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển. 

Phóng viên: Thưa Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang, với 4 lần tổ chức họp kết hợp trực tuyến và trực tiếp, tại kỳ họp bất thường lần này Quốc hội tiến hành họp trực tuyến cả kỳ. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Quốc hội nước ta tổ chức một kỳ họp bất thường. Ông đánh giá như thế nào về chủ động thích ứng và linh hoạt của Quốc hội cũng như sự chuẩn bị cho kỳ họp này như thế nào?

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội:

“Tiếp nối thành công những kỳ họp kết họp cả trực tuyến và trực tiếp trước đây, tổ chức Kỳ họp bất thường trực tuyến vừa đảm bảo các nội dung trình Quốc hội để Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch….Kỳ vọng Kỳ họp bất thường sẽ thành công tốt đẹp”.

Phóng viên: Theo dự kiến, một trong những nội dung được cho là cấp bách là cho ý kiến vào một luật sửa 8 luật. Trong bối cảnh hiện nay, Phó Tổng Thư ký đánh giá như thế nào về nội dung này nhằm giải quyết câu chuyện thể chế cho phát triển kinh tế đất nước?

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội:
"Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định trình với Quốc hội một luật sửa một số luật theo trình tự thủ tục rút gọn để phúc đáp yêu cầu phát triển Kinh tế - Xã hội trong tình hình mới. Đơn cử như quyết định phân cấp trong quyết định vốn ODA, xã hội hóa trong truyền tải điện, sửa đổi luật thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan đến giảm thuế với các dòng xe điện…."


Phóng viên: Ông có kỳ vọng gì vào kỳ họp lần này? 

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội:
Đây là Kỳ họp bất thường đầu tiên mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập. Tính bất thường nằm ở nội dung trình Quốc hội xem xét, thảo luận là những nội dung vĩ mô, mang tính cấp bách như các chính sách tài khóa, tiền tệ, phục hồi kinh tế xã hội. Bên cạnh đó là các nội dung sửa đổi luật…. Những nội dung này nếu được Quốc hội thảo luận kỹ, tiếp thu ý kiến các Đại biểu Quốc hội thì tôi cho rằng sẽ góp phần phục hồi kinh tế xã hội.”


Với kế hoạch cụ thể, chi tiết đã cho thấy sự chuẩn bị chu đáo của Văn phòng Quốc hội và sự nghiêm túc, khẩn trương của lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này. Việc xây dựng Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội là hết sức cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Tại Kỳ họp bất thường, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến nghị quyết về việc bảo đảm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, trong đó bảo đảm nhất quán, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi ngân sách nhà nước để chi đầu tư phát triển theo đúng quy định của pháp luật. Tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên hơn tổng cung. Phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác (như chính sách thương mại, dịch vụ, đầu tư) để tối ưu hóa nguồn lực). Cùng với đó là việc cho ý kiến sửa một luật cho nhiều luật. Có thể thấy, Kỳ họp bất thường rất quan trọng để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra. Mục tiêu tối thượng là phục vụ Nhân dân, sự phát triển của đất nước, kịp thời cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, thể hiện sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được hiến định. Ngay trong phiên làm việc sáng nay, dự kiến Quốc hội sẽ nghe các báo cáo liên quan tới những nội dung được đưa ra thảo luận tại kỳ họp này.