Kẽ hở pháp lý thổi bùng tranh chấp ở chung cư; Đề xuất định danh cá nhân để ngăn chặn tình trạng buôn bán hoá đơn khống; Giải quyết ách tắc trong thông quan hàng hóa nông sản sang Trung Quốc;... là những tin đáng chú ý trên mặt báo sáng ngày 7/6.
KẼ HỞ PHÁP LÝ THỔI BÙNG TRANH CHẤP Ở CHUNG CƯ
Hợp đồng mua bán mập mờ cùng quy định pháp luật lỏng lẻo khiến người mua nhà gánh nhiều rủi ro trong tranh chấp quyền sở hữu với chủ đầu tư chung cư. Trên báo điện tử Vnxpress có bài viết: Kẽ hở pháp lý thổi bùng tranh chấp ở chung cư.
Nhận định nhiều hợp đồng mua bán căn hộ chung cư chưa đúng quy định, thậm chí sai luật dẫn đến tranh chấp. Khách hàng khi đặt bút ký hợp đồng mua bán thường không nghiên cứu kỹ các điều khoản. Trong khi nhiều chủ đầu tư muốn bán được hàng nên "quảng cáo khác so với thực tế, sau đó cắt xén tiện ích tại khu vực sở hữu chung của cư dân để làm lợi cho mình". Theo một số chuyên gia, điểm nghẽn trong các vụ tranh chấp ở chung cư là do cơ quan nhà nước không công khai hồ sơ công trình cho người dân. Chỉ khi người dân có hồ sơ pháp lý mới làm rõ được khu vực nào là sở hữu chung, sở hữu riêng và vấn đề tranh chấp mới được giải quyết nhanh chóng
ĐỀ XUẤT ĐỊNH DANH CÁ NHÂN ĐỂ NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG BUÔN BÁN HOÁ ĐƠN KHỐNG
Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sử dụng công nghệ xác thực định danh cá nhân trước khi cấp phép đăng ký doanh nghiệp.
Theo bài viết trên báo điện tử VOV, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi Nghị định đăng ký kinh doanh, Luật Doanh nghiệp có quy định theo hướng người đại diện pháp luật phải được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Đồng thời, cá nhân bỏ địa chỉ kinh doanh, nợ thuế sẽ không được thành lập doanh nghiệp mới và bị đưa vào danh sách cảnh báo rủi ro. Với việc rao bán hoá đơn điện tử trên mạng xã hội như: Facebook, Zalo, cơ quan thuế sẽ tăng cường rà soát, thu thập thông tin tổ chức, cá nhân bán trái phép hóa đơn điện tử để truy xuất nguồn gốc rao bán (tên, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại...). Phát hiện sai phạm, cơ quan thuế củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan Công an xử lý.
GIẢI QUYẾT ÁCH TẮC TRONG THÔNG QUAN HÀNG HÓA NÔNG SẢN SANG TRUNG QUỐC
Nhu cầu giao thương nông sản giữa Việt Nam với Trung Quốc nói chung và hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam nói riêng rất lớn nhưng thường bị ách tắc tại cửa khẩu do nhiều nguyên nhân. Ngành Nông nghiệp đang tích cực thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường này.
Theo bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam, Thực tế, hạ tầng khu vực cửa khẩu của cả hai bên hiện đều đang quá tải so với nhu cầu giao thương, nhiều mặt hàng nông sản tươi có giá trị cao vào vụ, có nhu cầu từ doanh nghiệp Trung Quốc nhưng thường bị ách tắc tại cửa khẩu. Cùng với đó, nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao của Việt Nam và có nhu cầu lớn từ phía Trung Quốc hiện chưa được "mở cửa" vào thị trường này. Trong khi đó, tiêu chuẩn chất lượng của Trung Quốc đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu ngang bằng, thậm chí đã quy định về đăng ký cấp phép, thủ tục kiểm nghiệm kiểm dịch thông quan còn chặt chẽ hơn cả thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
CÔNG NHÂN MẤT VIỆC HÀNG LOẠT, 'VỀ QUÊ CŨNG DỞ, Ở CHẲNG XONG'
Công nhân ở các khu công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM mất việc hàng loạt, nhiều người rơi vào cảnh "ở cũng dở mà về quê cũng chẳng xong". Bài viết trên báo Giáo dục và thời đại.
Tại tỉnh Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm 2023, có 181 doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có 32.400 người lao động phải giảm giờ làm việc, hoặc phải cắt hợp đồng lao động do thiếu đơn hàng. Báo cáo tình hình lao động, việc làm của Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương cũng cho thấy lượng lao động phải nghỉ việc rất lớn. Số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023 là 18.216 người, tăng 7,33% so với năm 2022. Trong tổng số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, có hơn 5.300 người trên 40 tuổi, tăng gần 40% so với năm 2022.