Hy vọng từ đàm phán Nga – Ukraine

Hiện mọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế đều đang đổ dồn về Belarus, với hi vọng đột phá ngoại giao sẽ đạt được giữa Nga và Ukraine. Theo giới phân tích, việc hai bên chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán đã mang lại cơ hội hòa bình không chỉ cho Ukraine, mà rộng hơn là toàn bộ cấu trúc an ninh châu Âu.

Việc phái đoàn Nga và Ukraine tiến hành đàm phán tại Belarus, được coi là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh giao tranh giữa hai bên tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Phía Ukraine cho biết, mục tiêu chính của cuộc đàm phán với Nga là ngừng bắn ngay lập tức và Nga phải rút quân. Trong khi đó, phía Nga nêu rõ rằng nước này mong muốn đạt được một thỏa thuận nào đó với Ukraine càng sớm càng tốt nhưng phải phù hợp với lợi ích đôi bên.

Ông VLADIMIR MEDINSKY, Trưởng đoàn đàm phán Nga: "Tôi có thể nói rằng mỗi giờ xung đột đều gây ra thương vong cho các binh sĩ Ukraine, chúng tôi chắc chắn quan tâm đến việc đạt được bất kỳ thỏa thuận nào càng sớm càng tốt. Nhưng những thỏa thuận đó phải vì lợi ích của cả hai bên."

Trước đó vào sáng nay theo giờ Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 2623 kêu gọi một “phiên họp đặc biệt khẩn cấp” của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để xem xét và khuyến nghị hành động tập thể đối với cuộc khủng hoảng Ukraine. Nghị quyết được thông qua với 11 phiếu ủng hộ, 1 phiếu chống của Nga và 3 phiếu trắng (Trung Quốc, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất). 

Ông ZHANG JUN, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc: “Trung Quốc ủng hộ và khuyến khích tất cả các nỗ lực ngoại giao có lợi cho việc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine. Chúng tôi hoan nghênh các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, cũng như ủng hộ đối thoại bình đẳng giữa Nga và phần còn lại của châu Âu về các vấn đề an ninh, duy trì khái niệm an ninh không thể chia cắt và cuối cùng hình thành một cơ chế an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững.”

Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm thay đổi chính sách của phương Tây đối với Nga và dự báo là cả cấu trúc an ninh châu Âu hơn 30 năm sau Hội nghị thượng đỉnh thời hậu Chiến tranh Lạnh. Bằng cách cam kết cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kiev, phương Tây dường như đang ngày càng bị lún sâu vào cuộc khủng hoảng, dù Ukraine không phải là thành viên NATO. 

Trong sự thay đổi lớn nhất, Đức đã cam kết vượt qua các mục tiêu của NATO về chi tiêu quốc phòng và không còn dè dặt trong việc gửi vũ khí cho Ukraine. Trước đó, nước này cũng tạm dừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga, vốn có vai trò “sống còn” đối với an ninh năng lượng của châu Âu.

Chỉ trích các nhà lãnh đạo NATO luôn tìm cách không ngừng mở rộng sang các nước giáp biên giới, Tổng thống Putin đã đặt các lực lượng răn đe của Nga, bao gồm cả vũ khí hạt nhân trong tình trạng báo động cao. Động thái này được coi không chỉ là cảnh báo mạnh mẽ nhất gửi tới phương Tây, mà còn làm gia tăng nguy cơ về một sự leo thang căng thẳng lên mức thực sự đáng báo động. 

Thu Ngoan