Chi ủng hộ chống Covid-19 có được trừ thu nhập tính thuế thu nhập?

Các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là một phương án được nhiều đại biểu ủng hộ. Tuy nhiên cũng lưu ý đối với khoản đóng góp bằng hiện vật phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính nhằm tránh việc lợi dụng chính sách vào những mục đích khác.

Đối với 2 phương án do Chính phủ trình về việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid -19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch. 

Một số đại biểu cho rằng, có thể có một số lo ngại trong việc nâng giá hiện vật so với giá trị thật như từng xảy ra thời gian qua nhưng không nên đánh đồng hành vi này cho tất cả, không nên vì có “con sâu làm rầu nồi canh” mà Quốc hội không xem xét đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng hiện vật của doanh nghiệp. Theo đại biểu, việc cần bàn là làm thế nào để có các giải pháp tổ chức thực hiện bảo đảm đạt kết quả tốt. Việc nâng giá, khống giá đã có các quy định của pháp luật quản lý và xử lý. Do vậy nhiều đại biểu đồng tình với phương án 1. 

Bà Lò Thị Luyến - Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: “Doanh nghiệp ủng hộ bằng tiền và hiện vật đều được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp”. Thực tế thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ, hỗ trợ bằng hiện vật (vật tư y tế, lương thực, thực phẩm…) rất hiệu quả, thiết thực, đáp ứng ngay nhu cầu thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm đời sống Nhân dân”.

Ông Nguyễn Quốc Luận - Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái: “Tôi thống nhất việc tính chi phí bao gồm cả khoản ủng hộ bằng tiền, bằng hiện vật và kể cả bằng công trình xây dựng như một số doanh nghiệp đã hỗ trợ xây dựng các bệnh viện dã chiến, các trung tâm hồi sức tích cực. Nhưng ngoài việc quy định về hóa đơn chứng từ như trong dự thảo nghị quyết nêu, tôi đề nghị trường hợp ủng hộ bằng hiện vật, bằng công trình xây dựng thì áp dụng định mức đơn giá hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành đang có hiệu lực tại thời điểm quyết toán thuế”.

Đồng tình với phương án 1 khi áp dụng sẽ động viên được các doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Hoàng Mai đoàn Tiền Giang thì đây là trách nhiệm của Chính phủ khi quy định về việc này. 

Ông Nguyễn Hoàng Mai - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: “Có những việc liên quan đến đấu thầu, chỉ định thầu thì rất lo ngại về trách nhiệm pháp lý đằng sau xảy ra. Theo tôi đây là trách nhiệm của Chính phủ quy định về vấn đề này, bởi vì khoản 2 Điều 9 Luật Thu nhập doanh nghiệp đã giao Chính phủ quy định chi tiết về việc tính trừ như thế nào. Do đó, tôi đề nghị nghị quyết không cần đưa vấn đề này, đây hoàn toàn là trách nhiệm của Chính phủ, dù Nghị quyết của Quốc hội đưa vào thì Chính phủ vẫn phải có hướng dẫn chỗ hiện vật đó tính toán như thế nào, vẫn phải có quy định chi tiết chứ không thể quy định như dự thảo nghị quyết được”.

Một số đại biểu cũng cho rằng Chính phủ cần bổ sung hướng dẫn cụ thể về xác định giá trị của hiện vật ủng hộ hoặc tài trợ theo giá trị thực tế kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp nhưng không được làm tăng giá thành sản phẩm. Đồng thời, giao cơ quan kiểm tra quyết toán thuế các khoản ủng hộ để xác định giá trị chi phí được trừ theo đúng quy định của pháp luật, nhằm tránh trường hợp lợi dụng nâng giá trị hiện vật ủng hộ để tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp./.