Họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Giám sát 4 chuyên đề trong năm 2023

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, sáng nay 19/4, UBTVQH cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung làm việc.

Trình bày báo cáo về nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ việc lựa chọn các chuyên đề giám sát được thực hiện theo quy trình chặt chẽ được quy định tại Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội và phù hợp với đa số đề xuất của các cơ quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội. Đồng thời, các chuyên đề giám sát là những vấn đề quan trọng được cử tri và dư luận xã hội quan tâm.

Trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, sẽ dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Quốc hội giám sát 2 chuyên đề và UBTVQH giám sát 2 chuyên đề, được lựa chọn trong số 5 chuyên đề cụ thể như sau: 

Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020.

Với 4 chuyên đề được lựa chọn, UBTVQH sẽ trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao (2 chuyên đề còn lại giao UBTVQH giám sát và báo cáo Quốc hội).

Liên quan đến nội dung chuyên đề giám sát cụ thể, có ý kiến đề nghị, bên cạnh giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, cần giám sát cụ thể, trọng tâm hơn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng vì đây là vấn đề đang tồn tại nhiều bất cập trong thời gian qua

Ông HOÀNG THANH TÙNG - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Liên quan đến chuyên đề giám sát cụ thể: 5 chuyên đề báo cáo hôm nay, chuyên đề thứ nhất đồng ý có 2 phần, phần đầu tốt rồi, phần 2 cơ sở pháp luật về y tế cơ sở dự phòng trúng nhưng hơi rộng, có khi lại không tập trung vào nhiều vấn đề bất cập, yếu kém. Đó là nguồn nhân lực và đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đề nghị, nếu chúng ta xác định trọng tâm khoanh ngay, nếu giữ nguyên kế hoạch chi tiết tập trung vào trọng tâm.”

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng giám sát trong vấn đề năng lượng nói chung chứ không chỉ giám sát trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo. 

Ông VŨ HỒNG THANH - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:  “Qua theo dõi năng lượng tái tạo 1 giai đoạn cục bộ, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, chúng tôi muốn mở rộng hơn ra cả ngành điện. Tất cả các khâu trong 1 chuỗi, sản xuất than như nào, nhập khẩu như thế nào? Trong tình trạng nguồn điện đang thiếu, ngành than cũng tập trung hết cỡ rồi, chúng ta phải có chiến lược, để duy trì năng lực sản xuất cho ngành điện, ngành than…”.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Năng lượng tái tạo, đề nghị giám sát năng lượng chung, các năng lượng khác như thế nào? Xem vướng chính sách pháp luật như thế nào? Tiếp tục thúc đẩy, khắc phục tổ chức thực hiện.”

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 3 trụ cột an sinh, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, việc triển khai cho đến nay vẫn còn nhiều lúng túng. Việc giám sát nội dung này phải chỉ ra được những vấn đề vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện, kịp thời có điều chỉnh, chỉnh sửa để chính sách kịp thời đi vào thực tiễn cuộc sống.

Ông Y THANH HÀ NIÊ K’ĐĂM - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Về đại biểu dân tộc thiểu số miền núi, từ thời điểm thông qua nghị quyết đến nay chương trình mới chỉ ở tổ chức triển khai, thực sự chưa được đồng bộ. Chương trình này có 10 dự án thành phần phụ thuộc vào Chính phủ, bản thân chương trình đang chờ phê duyệt, chưa phân bổ được đầu tư công và các địa phương mong chờ, tha thiết về nội dung này. Các chính sách cho bà con địa phương ứng ra thực hiện thôi”. 

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, 5 chuyên đề lần này được trình ra cho ý kiến là những vấn đề quan trọng, thông qua giám sát này cũng là cách đề báo cáo với cử tri và nhân dân cả nước. 

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Chương trình mục tiêu quốc gia về đồng bào dân tộc thiểu số đã ban hành từ nhiệm kỳ trước. Còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững thì ban hành từ đầu nhiệm kỳ này. Nếu sang năm 2023, tức là nửa nhiệm kỳ, qua đánh giá sơ bộ, tình hình triển khai rất lúng túng. Vì 3 chương trình mục tiêu quốc gia gắn chặt với an ninh trật tự và quốc phòng an ninh, rồi năng lực tái tạo cũng ở đấy.”

Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, theo kết quả biểu quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí 4/5 chuyên đề giám sát trong đó bỏ chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020. Trên cơ sở thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tiếp tục hoàn thiện các văn bản có liên quan, tên chuyên đề, phạm vi giám sát của từng chuyên đề, đề ra các phương án để trình Quốc hội cho ý kiến trong thời gian sắp tới. 

Anh Đức