Hơn 15 năm tranh chấp đất đai vẫn chưa kết thúc

Thời gian qua, các vụ tranh chấp đất đai có xu hưởng ngày càng gia tăng và phức tạp, khó giải quyết. Trên thực tế, có những vụ kéo dài hàng chục năm mà vẫn chưa kết thúc. Sau đây là ghi nhận của phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam về một vụ án trải qua hơn 15 năm, rất nhiều cấp xét xử, mà các bên vẫn chưa hài lòng, tiếp tục khiếu kiện.

Mảnh đất hơn 80m2 này, là đối tượng bị tranh chấp từ hơn 15 năm nay. Một nửa phía trong đã bị phá tan hoang chỉ còn những đống gạch vụn. Ngôi nhà cấp 4 phía ngoài, không có công trình phụ, từ nhiều năm nay không thể sửa chữa, cải tạo được.

Theo chị Hà, năm 1992 khi lấy chồng, gia đình chị đã chuyển về sống cùng ông bà ngoại của chồng là cụ Bé và cụ Dúi trên mảnh đất này. Ông bà đã lập di chúc để lại mảnh đất này cho chồng chị. Sau khi các cụ qua đời, năm 2003, chồng chị Hà làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng phía cô chồng đã khiếu nại vì cho rằng đó không phải là đất của cụ Bé và cụ Dúi. Đến năm 2007, người cô đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức.

Vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức đã đưa ra xét sử sơ thẩm lại và tuyên giao cho phía nguyên đơn 40,6m2 đất và phía bị đơn (là gia đình nhà chị Hà) 43,8m2 đất. Tuy nhiên, cả hai phía đều tỏ ra không đồng tình và đã gửi đơn kháng cáo. Như vậy, sau hơn 15 năm, vụ tranh chấp đất đai này vẫn chưa thể kết thúc.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội, đang còn tồn tại hàng chục vụ án kéo dài lên đến cả chục năm, đã để lại nhiều hệ lụy cho chính những người trong cuộc, và áp lực cho các cơ quan nhà nước. Mới đây, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng đã bày tỏ lo ngại nguy cơ “tố tụng không có điểm dừng”.

Để các vụ án không bị kéo dài quá lâu, quá thời hạn luật định, phải hạn chế tình trạng bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan. Hàng năm, Quốc hội đặt ra giới hạn hủy, sửa bản án cho hệ thống Tòa án. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao cũng có quy định xem xét xử lý các thẩm phán có tỷ lệ hủy, sửa cao như có thể bị dừng xét xử, không tái bổ nhiệm, thậm chí xem xét kỷ luật.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thế Anh