• 1365 lượt xem
  • 14:39 21/06/2023
  • Văn hóa

Hồi ức người treo cờ đỏ sao vàng trên ban công Nhà hát Lớn chiều 17/08/1945

Truyền hình Quốc hội Việt Nam xin giới thiệu trích đoạn hồi ký của Nhà báo Trần Lâm, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, nhân chứng lịch sử đã treo lá cờ đỏ sao vàng trên ban công Nhà hát Lớn Hà Nội chiều 17/8/1945.

Ngày 17/8/1945 sau khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức một cuộc mít tinh lớn của Tổng hội viên chức hòng thu hút sự ủng hộ của quần chúng để chờ ngày quân Đồng Minh vào giải phóng quân đội Nhật thì sẽ đứng ra đón tiếp. Lẽ dĩ nhiên như vậy họ sẽ được Đồng Minh công nhận.

Nắm rõ âm mưu ấy, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã chỉ thị bằng mọi giá phải phá cuộc mít tinh. Và tổ của tôi nhận được nhiệm vụ: Treo một lá cờ đỏ sao vàng lớn ở nơi tất cả mọi người dự mít tinh đều nhìn thấy và chiếm diễn đàn của Ban tổ chức để đọc lời hiệu triệu của Việt Minh.

Chúng tôi may một lá cờ rộng bằng 6 chiếc chiếu đôi. Với phù hiệu đặc biệt của Ban tổ chức, tôi đã đem được lá cờ lên phòng gương của Nhà hát Lớn, đợi đến khi đoàn nhạc kèn của Chính phủ bù nhìn nổi bài "quốc thiều” khai mạc cuộc mít tinh thì tung ra cờ đỏ sao vàng cực lớn phủ từ tầng hai mặt tiền khoảng giữa Nhà hát Lớn rủ xuống gần chấm đất.

Khi lá cờ xuất hiện thì hàng ngàn hội viên cứu quốc đứng trong đám mít tinh nhất tề rút cờ đỏ sao vàng giấu trong áo ra, vừa phất vừa reo hò "Đả đảo Chính phủ bù nhìn", "Ủng hộ Việt Minh", "Việt Nam độc lập muôn năm".

Trong khi quần chúng reo hò, chị Diệu Hồng trong tổ tôi cùng anh Ngô Quang Châu, bên Văn hóa Cứu quốc nhảy lên diễn đàn chiếm micrô, đọc lời hiệu triệu của Việt Minh.

Ban tổ chức mít tinh của chính phủ Trần Trọng Kim bị bất ngờ, không biết làm gì. Hơn 100 lính bảo an sửng sốt đứng yên không nhúc nhích. Lá cờ quẻ ly đang kéo lên cột cờ nửa chừng tụt xuống đất vì người kéo cờ buông tay. Một rừng cờ đỏ sao vàng, những lời hô như sấm rền không ngớt.

Khoảng gần nửa giờ sau, cuộc mít tinh hơn 2 vạn rưởi người đã biến thành cuộc biểu tình tuần hành diễu qua các phố Tràng Tiền ra Bờ Hồ, lên Hàng Ngang, Hàng Đào, qua Phủ Toàn quyền lúc ấy là tổng hành dinh của quân Nhật rồi về đến Cửa Nam thì giải tán.

Đây là cuộc tổng diễn tập rất thành công cho Cách mạng Tháng Tám và là sự kiện quyết định giúp cho các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội ngay trong đêm 17/8 ra quyết định chọn ngày 19/8/1945 làm ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội./.

Kiều Mai Sơn