Hội nghị thượng đỉnh G20: “Cùng nhau nỗ lực, cùng nhau phục hồi”

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ chính thức khai mạc tại Bali (Indonesia) vào ngày mai. Trong 2 ngày, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thảo luận một loạt các vấn đề cấp bách hiện nay, bao trùm là cuộc xung đột ở Ukraine. Bên cạnh đó, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung cũng là tâm điểm được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm.

Trong hội nghị thượng đỉnh năm nay, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận hàng loạt vấn đề nóng, vốn đòi hỏi sự đồng thuận để các bên có thể có hành động chung. Thông thường, lĩnh vực kinh tế và tài chính sẽ được thảo luận nhiều nhất trong hội nghị, tuy nhiên nhiều vấn đề khác dự kiến cũng được đề cập tới, từ đại dịch Covid-19 tới cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong khi đó, nước chủ nhà G20 Indonesia mong muốn đưa chương trình nghị sự xoay quanh ba trụ cột phục hồi kinh tế vĩ mô sau đại dịch, bao gồm cấu trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng bền vững. Đặc biệt, trong khuôn khổ hội nghị năm nay, các nhà lãnh đạo G20 đã ra mắt Quỹ phòng đại dịch của G20 do Indonesia và Italia làm đồng chủ tịch.

Tổng thống Indonesia JOKO WIDODO: “Mỗi năm, thế giới cần khoảng 31,1 tỷ USD để ngăn chặn và phòng ngừa đại dịch trong tương lai. Do vậy, G20 đã đi đến quyết định xây dựng quỹ đại dịch cho mục đích này. Tôi gửi lời cảm ơn tới các nước G20 và không thuộc G20, cũng như các tổ chức từ thiện vì đã đóng góp cho quỹ.”

Bà JANET YELLEN, Bộ trưởng Tài chính Mỹ: “Quỹ đại dịch là một công cụ mới và quan trong, giúp chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai có nguy cơ đe dọa cuộc sống và sinh kế của người dân toàn cầu. Điều cốt lõi là quỹ sẽ là chất xúc tác cho các khoản đầu tư bổ sung, tăng cường sự phối hợp giữa các đối tác.”

Bên cạnh các phiên họp chính thức, các cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị cũng là điều được giới quan sát quốc tế trông đợi. Trong đó, sự kiện được chú ý nhất sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông Biden nhậm chức tháng 1/2021. Theo tiết lộ từ phía Mỹ, các vấn đề hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận trong cuộc gặp tại Bali (Indonesia) sắp tới gồm Triều Tiên, tình hình Đài Loan, thương mại hay quan hệ Trung - Nga.

Nhiều nhà phân tích quan hệ quốc tế đề cao vai trò của quan hệ cá nhân giữa giới lãnh đạo trong xây dựng chính sách đối ngoại. Do đó, G20 là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách cấp cao nhất gặp mặt lẫn nhau và xây dựng quan hệ với những người đồng cấp. Sau hai ngày họp, các nước thành viên G20 được kỳ vọng sẽ đưa ra được tuyên bố chung, trong đó khẳng định cam kết hành động của các nước thành viên.

Ngọc Anh