Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ: Phát huy vai trò nòng cốt của Quốc hội

Trong hai ngày 28-29/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận cho ý kiến về 4 dự án luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới. THQHVN đã có trao đổi với đại biểu Đinh Ngọc Quý về một số nội dung chính tại hội nghị lần này.

Trong ngày 28-29/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý một số dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3. Đây cũng là Hội nghị đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trên tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều vòng để các dự thảo Luật sau khi được UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý sẽ đạt chất lượng tốt nhất để trình Quốc hội.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách - Phát huy vai trò nòng cốt của Quốc hội

Trong công tác lập pháp, Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách có ý nghĩa thế nào đối với việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Luật?

Ông ĐINH NGỌC QUÝ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách được tổ chức, thực hiện theo trình tự xây dựng pháp luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Quốc hội và Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có một quá trình thực hiện, kiểm nghiệm, kiểm chứng, đánh giá trước khi luật hóa quy định về Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách được bắt đầu cách đây hơn 10 năm. Từ năm 2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đến 2012, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết về vấn đề này.

Đây là hoạt động gắn với xu hướng đổi mới của Quốc hội trong hoạt động lập pháp gắn với nâng cao và tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách. Hội nghị cũng nhằm phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của đại biểu Quốc hội chuyên trách và thể hiện rõ vai trò của đại biểu Quốc hội chuyên trách cả ở trung ương và địa phương trong công tác xây dựng pháp luật, thể hiện tính liên tục trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Theo quy định, các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách có giá trị như việc Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội về các dự án luật như tại Kỳ họp Quốc hội. Chính vì vậy, đây là căn cứ, cơ sở giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội có thêm luận cứ, bằng chứng, cơ sở để tiếp thu hoàn thiện dự thảo luật.

Hội nghị này cũng là dịp để các đại biểu Quốc hội nhìn lại quá trình các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ tiếp thu, chính lý các nội dung sau khi được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp trước đó."

Đây là Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách đạt tỷ lệ cao nhất, với 38,6%. Với hoạt động của các ĐBQH chuyên trách trong thời gian qua, ông kỳ vọng thế nào về chất lượng Hội nghị này? 

Ông ĐINH NGỌC QUÝ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách không chỉ theo chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật mà còn mang ý nghĩa là hoạt động không thể thiếu, là hoạt động trụ cột, nòng cốt của Quốc hội nhất là trong xu hướng hoạt động Quốc hội ngày càng đổi mới, tăng cường chuyên trách, hướng tới chuyên nghiệp và chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả các vấn đề trước khi trình lên Quốc hội tại Kỳ họp. 

Mặc dù các dự án luật được qua nhiều vòng, nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn về các vấn đề cụ thể trong các dự án luật, nhưng thông qua Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này, tôi hy vọng các đại biểu Quốc hội chuyên trách từ nhiều vị trí công tác khác nhau, từ các góc độ của các cơ quan, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội sẽ có thêm nhiều ý kiến đa dạng nhiều chiều để nhìn thấu đáo các vấn đề được tiếp thu, chỉnh lý và cả những vấn đề mới phát sinh trong quá trình chỉnh lý. Đặc biệt, kỳ vọng các đại biểu Quốc hội chuyên trách tại các địa phương là những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định pháp luật ở địa phương thì có ý kiến góp ý vào dự thảo để thấy được hết các khía cạnh. Qua đó, giúp hoàn thiện dự thảo luật tốt hơn, phản ánh đầy đủ các vấn đề, hài hòa quyền và lợi ích của các bên nhất là các đối tượng chịu sự điều chỉnh, chịu sự tác động của luật, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy sự tham gia của các bên vào phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập. 

Chúng ta đều thấy rằng, bất kể vấn đề nào nếu được xem xét càng kỹ càng, thấu đáo, đánh giá tác động kỹ lưỡng, được xem xét nhiều vòng nhiều người tham gia thì sẽ hoàn thiện hơn thì sẽ tốt hơn."

Xem xét khen thưởng thành tích của thanh niên xung phong

Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách lần này sẽ tập trung thảo luận, góp ý về 4 dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đây là 4 dự án Luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 và được Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trong các phiên họp vừa qua.

Trong đó, một trong những vấn đề được các đại biểu, nhân dân và cử tri rất quan tâm đó là quy định hình thức khen thưởng đối với Thanh niên xung phong trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Trải qua những thăng trầm, biến cố của đất nước qua từng giai đoạn, Thanh niên xung phong đã luôn sát cánh cùng bộ đội, gìn giữ hòa bình, tự do cho dân tộc, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, tuổi đời của cựu Thanh niên xung phong đã rất cao, từ 70-90 tuổi. Do vậy nhiều Thanh niên xung phong mong muốn Nhà nước có một hình thức khen thưởng phù hợp được ghi nhận trong Luật Thi đua, khen thưởng để khen thưởng cho đối tượng là Thanh niên xung phong có thành tích trong thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Ông VŨ TRỌNG KIM, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam: "Cựu thanh niên xung phong từ thời kháng chiến chống Pháp nay đã 90 tuổi, hơn 90 tuổi, nhiều đồng chí cũng đã ra đi. Họ mong muốn được vinh dự của Nhà nước. Đó là sự công nhận, xác nhận họ có đi thanh niên xung phong. Đây cũng là minh chứng cho xã hội cũng như con cháu coi đó là tấm gương của những người xung phong, tình nguyện.” 

Ghi nhận thành tích của lượng thanh niên xung phong có nhiều hy sinh, gian khổ , ngày 07 tháng 02 năm 2017, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản số 3257 thông báo Kết luận của Ban Bí thư đồng ý về chủ trương tặng thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho đối tượng là thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Ông NGUYỄN CAO VÃNG, Uỷ viên Đoàn chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam: "Ban Bí thư đã có Kết luận và Chính phủ cũng đã có Nghị quyết và xây dựng dự thảo Luật chuyển sang Quốc hội. Chúng tôi mong các cơ quan của Quốc hội xem xét sớm triển khai. Bởi thực tế hiện nay các cựu thanh niên xung phong, nhất là từ thời kỳ chống Pháp, nhiều đồng chí đã hơn 90 tuổi, nhiều đồng chí đã ra đi trước đó đều đã trăn trở tham gia với Đảng, Nhà nước qua nhiều thời kỳ mà chưa được ghi nhận trong lực lượng thanh viên xung phong."

Do vậy, việc sửa đổi Luật lần này, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án trình Quốc hội xem xét việc khen thưởng cho thanh niên xung phong. Việc phong tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho cựu thanh niên xung phong Việt Nam là việc làm cấp thiết và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc làm này không chỉ là sự ghi nhận cho thế hệ thanh niên xung phong đi trước mà còn là niềm tự hào và nguồn cảm hứng với nhiều lớp thế hệ trẻ sau này. 

ÔNG NGUYỄN TÚC, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: "Trong kháng chiến Chống Pháp, Mỹ và những năm đầu của hòa bình, thống nhất, thanh niên xung phong là một lực lượng hết sức quan trọng mà như bác Hồ nói: “Đâu có giặc là ta cứ đi”, “Việc gì khó có thanh niên”. Thanh niên xung phong đóng góp rất lớn. Chính vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần đề nghị xem xét và có chính sách thỏa đáng với các đồng chí đó.” 

ÔNG TRƯƠNG XUÂN CỪ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Nước ta có truyền thống về “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống tôn vinh cống hiến của thế hệ đi trước. Do vậy trong đợt này chúng ta có thể đưa vào danh hiệu tôn vinh và danh hiệu này cùng với thời gian sẽ giảm dần. Và như vậy còn người nào chúng ta tiếp tục tôn vinh họ.”

Theo Báo cáo của Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, nếu chính sách này được thực hiện thì số lượng được đề nghị khen thưởng là 670.000 người, dự kiến hàng năm số lượng được khen thưởng là 200 người.

Lấy ý kiến nhiều chiều, đa dạng trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật

Vấn đề được nêu trong phóng sự đang được rất nhiều các thanh niên xung phong cũng như người dân quan tâm. Và rất có thể sẽ là 1 nội dung được các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày 28/3. Ủy ban Xã hội được giao nhiêm vụ chủ trì, thẩm tra dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Vậy, việc bổ sung quy định hình thức khen thưởng cho Thanh niên xung phong đã được tiếp thu, chỉnh lý như thế nào trong dự thảo Luật?

Ông ĐINH NGỌC QUÝ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Chúng ta phải khẳng định Đảng và Nhà nước luôn luôn ghi nhận công lao to lớn, sự đóng góp, hy sinh của Nhân dân và các lực lượng trong kháng chiến. The báo cáo mới nhất về tổng kết công tác khen thưởng kháng chiến cơ bản hoàn thành. Mặc dù trên thực tế do nhiều lý do khách quan, lịch sử khác nhau còn một số hồ sơ tồn đọng và cần phải nghiên cứu xem xét và tiếp tục giải quyết. 

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) thì nội dung về khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang đã được đưa vào dự thảo báo cáo giải trình và dự thảo Luật. Theo đó, tiếp thu quy định theo hướng quy định rõ tên gọi, đối tượng, thời hạn, tiêu chuẩn xét tặng để bảo đảm tính đồng bộ với khen thưởng kháng chiến. Từ trước đến nay việc khen thưởng kháng chiến được quy định theo các văn bản riêng mà không quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cùng với cơ quan soạn thảo thống nhất quy định trong dự thảo luật để thể chế tối đa chủ trương của Đảng."

Không chỉ đối với dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), những vấn đề lớn, được dư luận, cử tri quan tâm trong cả 4 dự án Luật sẽ được đưa để các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận tại Hội nghị ngày mai. Theo ông, cách làm này sẽ có hiệu quả thế nào đối với việc xem xét, bàn thảo tại Kỳ họp Quốc hội?

Ông ĐINH NGỌC QUÝ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Là một quy trình trong hoạt động lập pháp, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo luật sẽ thể hiện rõ nhất quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thể hiện tính liên tục trong hoạt động của Quốc hội, cũng là dịp để cử tri và Nhân dân cả nước thấy được hoạt động lập pháp của Quốc hội và của đại biểu chuyên trách.

Đây cũng là cơ hội thu được nhiều ý kiến khác nhau, đa dạng từ các góc độ, nhiều chiều để hoàn thiện các dự thảo luật trước khi trình Quốc hội không chỉ về kỹ thuật lập pháp, mà còn giải trình thấu đáo trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý. Bên cạnh việc giúp cho cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo, Hội nghị cũng giúp Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo có thêm vòng lọc hữu ích trong việc thấy được vấn đề toàn diện hơn, nhận diện thêm những vấn đề phát sinh hướng tới chất lượng tốt nhất của dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua."

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/3. Hội nghị sẽ họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội kết hợp với họp trực tuyến; quy tụ tất cả đại biểu chuyên trách ở Trung ương và địa phương, những nhà nghiên cứu lập pháp chuyên nghiệp trong nhiệm Kỳ Quốc hội khóa XV. Đúng như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Kỳ họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, việc tiếp thu, hoàn thiện các dự án Luật cần được tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của các chính sách, khảo sát, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Qua Hội nghị này, một lần nữa, các cơ quan sẽ tiếp thu ý kiến xác đáng và giải trình thấu đáo, thuyết phục để trình 4 dự án Luật Quốc hội xem xét, thông qua, đảm bảo tính khả thi và chất lượng cao nhất./.

Diệu Huyền