• 2213 lượt xem
  • 07:20 24/02/2022
  • Xã hội

Học trực tiếp hay học trực tuyến: Đâu là lựa chọn tốt nhất cho trẻ?

Câu chuyện đi học của trẻ nhỏ chưa bao giờ “nóng” như những ngày gần đây. Liên tục các tranh luận về mở cửa trường hay đóng cửa trường? Học trực tiếp hay học trực tuyến? Nguy cơ từ gia đình hay từ trường học?...Song tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là những điều tốt nhất cho con trẻ. Mở cửa trường ổn định cần sự nỗ lực lớn từ phía ngành giáo dục cũng như thông tin đầy đủ cho cha mẹ học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trên cả nước số học sinh đến trường giảm mạnh so với thời điểm sau Tết với tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp là gần 79%. Trước đó, số học sinh đến trường cả nước đạt tới 93,71%. 

Cụ thể, ở khối mầm non chỉ có 50 tỉnh, thành phố cho trẻ đến trường. Còn ở khối Tiểu học, có 52 tỉnh, thành cho đi học trực tiếp. 11 tỉnh, thành phố hiện dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp. Ở cấp THCS có 59 tỉnh, thành vẫn tổ chức dạy học trực tiếp. Với khối THPT, chỉ duy nhất Lào Cai cho học sinh phổ thông dừng học trực tiếp do thời tiết rét đậm, rét hại.

Học trực tiếp hay học trực tuyến?

Câu chuyện đi học của trẻ nhỏ chưa bao giờ “nóng” như những ngày gần đây. Mở cửa trường hay đóng cửa trường? Học trực tiếp hay học trực tuyến? Nguy cơ từ gia đình hay từ trường học? Những luồng ý kiến trái chiều tạo thành cuộc tranh luận kéo dài không hồi kết, dù chúng ta đều hướng đến 1 mục tiêu chung là những điều tốt nhất cho con trẻ. Hãy cùng chúng tôi nhìn câu chuyện này từ cả 2 phía để thấu hiểu nỗi lòng của các bậc phụ huynh.

Nhắc đến học online, đây là hình ảnh phổ biến tại nhiều gia đình. Với em Minh Châu, học online là điều không dễ dàng gì khi khả năng tập trung của em chưa cao, trong khi môi trường xung quanh lại nhiều tác động.

Em VƯƠNG NGUYỄN MINH CHÂU, Học sinh lớp 2A1, trường Tiểu học Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội:Học ở nhà con thấy chán và bị đau mắt. Con muốn được đến trường hơn để gặp thầy cô bạn bè ạ.

Còn đối với em học sinh này, ở nhà quá lâu khiến em ngại giao tiếp, sợ đi học và chỉ muốn gắn bó với chiếc điện thoại.

Học sinh:Cái trở ngại đầu tiên là gặp mặt, vì đã quen với việc nhìn qua màn hình rồi nên gặp trực tiếp cũng khá ngại ngùng. Thứ 2 nữa là nhắn tin thì có những cái kí hiệu teencode nên bây giờ nói chuyện thì không biết phải diễn tả cảm xúc như nào.

Học online có thể là giải pháp tình thế tốt nhất trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng rõ ràng nó không thể thay thế học trực tiếp, và cũng không dành cho tất cả mọi người.

PGS.TS TRẦN THÀNH NAM, Trưởng khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, ĐHQGHN: Có những em bị rối loạn học tập, khó đọc, khó viết, có những em thì bị tăng động giảm chú ý, hoặc là bị khiếm khuyết về thính giác hoặc thị giác. Những em này rất dễ bị bỏ lại phía sau. Chúng ta cũng thấy internet nới rộng khoảng cách kĩ thuật số, gây căng thẳng hơn cho những gia đình có thu nhập thấp. Họ không thể truy cập wifi ổn định, dùng cái điện thoại rất nhỏ và trẻ không thể nhìn rõ được.”

Nhưng khi cổng trường mở ra, thì những nỗi lo khác lại len lỏi vào.

Lớp học này chỉ còn 10 học sinh đến lớp vì nhiều em thuộc diện phải cách ly. Học trực tiếp và trực tuyến được duy trì song song. Dù vậy, những xáo trộn liên tục do luân phiên trở thành F0, F1 cũng gây ảnh hưởng tới học sinh, phụ huynh và cả phía nhà trường.

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Những vấn đề chuyên môn, những quy trình chuyên môn thì không phải ngay từ đâu các thầy cô đã nhập cuộc được với cái việc xử trí F0 hay ca nghi nhiễm trong lớp. Đó là chưa kể áp lực của các thầy cô là rất lớn khi lên lớp phải dạy kết hợp trực tuyến với trực tiếp.”

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trên toàn quốc. Một số địa phương đã ra công văn hỏa tốc dừng học trực tiếp.

Đi học: vừa mừng vừa lo

Trong khi đó, nhiều địa phương vẫn kiên trì mở cửa trường với cam kết dù chỉ 1 học sinh vẫn mở cửa trường. Đưa con đến trường trong bối cảnh này, phụ huynh có cảm nhận thế nào?

Chị PHƯƠNG THANH DUNG,Huyện Mê Linh, TP.Hà Nội:Kì vừa rồi con học ở nhà, mẹ phải dạy con viết, dạy con đọc, mà có nhiều cái mình không có chuyên môn như các cô không thể cầm tay chỉ dạy nắn sửa được. Hai mẹ con vừa qua “đánh vật” mới qua được học kì 1. Cứ để con ở nhà thế này cũng không ổn, vì bố mẹ còn phải đi làm, không thể ở nhà trông con canh con học mãi được.”

Chị NGUYỄN THỊ HƯƠNG, Huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội:Việc học online ảnh hưởng tâm lý rất lớn đến các con. Đầu tiên là tâm lý sợ học, chán nản. Các con không được hòa đồng, vui chơi gặp gỡ bạn bè tâm sinh lý cũng bị ảnh hưởng. Rất mong dịch bệnh qua nhanh để các con sớm được đến trường.”

Chị NGUYỄN HẢI LINH, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội: “Dịch bệnh thời điểm hiện tại còn rất phức tạp nếu đưa con đi học sẽ rất nhiều rủi ro. Bởi sức đề kháng của các con kém. Do đó thời điểm này tôi chưa yên tâm cho con quay lại trường”.

Chị BÙI THỊ HỒNG NHUNG, Quận Hà Đông, TP.Hà Nội:Thực ra cũng lo. Thứ nhất là các trường chưa cho học bán trú, rất khó để gia đình tôi thu xếp đưa đón con đi học. Thứ hai, cũng lo các cháu có thể bị lây nhiễm trong trường học. Nhưng mà để các con ở nhà mãi cũng không ổn.”

Chị TRẦN VƯƠNG LINH, Quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội:Cho con đến trường thời điểm này thì cũng lo vì nhiều bạn trên lớp thành F0 rồi lại phải nghỉ học. Nhưng cũng không còn cách nào khác cả.

Anh NGUYỄN VĂN DUY THÔNG, Thành phố Đà Nẵng: Dịch bệnh là tình hình chung rồi, bây giờ mà không đi học thì biết đến bao giờ đi học lại được. Điều quan trọng là các nhà trường phối hợp với phụ huynh để bảo đảm khống chế được dịch bệnh để các cháu đến trường không chịu ảnh hưởng.

Chung tay vì quyền lợi học tập của trẻ

Chăm lo cho con trẻ luôn là vấn đề mà phụ huynh và toàn xã hội quan tâm. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi vấn đề này còn gây nhiều băn khoăn và chưa thể đạt sự đồng thuận hoàn toàn ngay 1 sớm 1 chiều. Vậy chuyên gia đánh giá thế nào về việc trở lại trường?

Lo rằng trẻ nhỏ yếu, khó có sức đề kháng với dịch bệnh là lo lắng phổ biến ở phụ huynh. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra điều ngược lại. Trẻ em mắc Covid-19 tại nước ta chỉ chiếm 19,42%, tỉ lệ chiếm 0,42% số ca tử vong chung, chủ yếu là trẻ có bệnh nền.

Ông NGUYỄN TRƯỜNG SƠN, Thứ trưởng Bộ Y tế:Con gái tôi hỏi là có cho cháu ngoại tôi đi học không. Tôi bảo là con phải cho đi. Trong đợt dịch vừa qua tỷ lệ các cháu nhiễm là rất thấp và tỷ lệ chuyển nặng  và tử vong ở độ tuổi này là cực kỳ thấp. Trong khi đó, trường học là nơi giúp cho chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ. Đây là vấn đề quan trọng hơn so với lo ngại về dịch bệnh.

Nguy cơ lây nhiễm trong trường học hay ngoai trường học đều như nhau. Và một khi đã chấp nhận thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì chúng ta cần cất bớt những nỗi lo lại.

GS.TS PHẠM MẠNH HÀ, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục: “Trong thời gian qua, tai nạn thương tích do trẻ học trực tuyến cũng đã gia tăng, có trường hợp giật điện, học sinh gặp căng thẳng có hành vi hủy hoại bản thân. Do đó để trẻ mãi ở nhà nguy cơ còn cao hơn đến trường. Chẳng lẽ chúng ta giữ con mãi ở nhà hay sao? Phụ huynh cần thay đổi một chút tư duy là nếu đã chuẩn bị tốt cho con thì nên cho con đến trường hơn.”

Mở cửa trường ổn định và bền bỉ cần sự nỗ lực lớn từ phía ngành giáo dục, bởi nó tạo niềm tin cho phụ huynh, tạo cảm hứng đến trường cho trẻ nhỏ.

Em ĐINH TRẦN ANH THƯ, Học sinh lớp 9D, trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội:Dù lớp có nhiều bạn phải nghỉ nhưng trường vẫn cho đi học chứ không phải quay về học online. Em thấy khá vui về điều này.”

Cháu NGUYỄN PHƯƠNG BẢO TRÂN, Học sinh lớp 4, thành phố Hà Nội:Con cũng rất mong sớm trở lại trường gặp lại thầy cô, bạn bè.”

Mong chờ những điều tốt nhất cho con trẻ là nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh. Nhưng lựa chọn nào mới là tốt nhất cần sự cân nhắc kĩ lưỡng, chứ không chỉ dựa trên nỗi lo cảm tính. Niềm vui đến trường, quyền lợi học tập của con trẻ cần sự chung tay của toàn xã hội mới có thể được đảm bảo trọn vẹn.

Đỗ Minh