Hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp cần tránh chồng chéo với pháp luật về tình trạng khẩn cấp

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho biết, Uỷ ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ; đồng thời cho rằng, việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự.

Về cấp độ phòng thủ dân sự, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc phân loại 4 cấp độ là nội dung quan trọng, nhằm phân biệt với các dạng cấp độ thảm họa, sự cố tại các luật chuyên ngành. Trên cơ sở phân loại cấp độ này, để điều chỉnh thống nhất hoạt động của các cấp chính quyền, lực lượng tham gia phòng thủ dân sự và người dân trong ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố.

Ông LÊ TẤN TỚI, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh: “Đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, làm rõ cơ sở để xây dựng các nội dung này; quy định cả phạm vi xảy ra và hậu quả thiệt hại của thảm họa, sự cố để xác định cấp độ Phòng thủ dân sự phù hợp để vận hành, kích hoạt các biện pháp phòng thủ dân sự tương ứng.”

Về hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp, có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này để tránh chồng chéo với pháp luật về tình trạng khẩn cấp; một số biện pháp quy định tại Điều 28 có nội dung tương tự các biện pháp tại Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp hoặc chỉ nên quy định những biện pháp chưa có trong Pháp lệnh nhằm “bổ khuyết” những nội dung còn thiếu. UBQPAN cơ bản tán thành với sự cần thiết quy định hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp tại Mục 4 nhằm bảo đảm cho hoạt động phòng thủ dân sự được triển khai thống nhất, kịp thời trong một trạng thái đặc biệt của xã hội – là tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, nội dung này liên quan đến nhiều quy định hiện hành về tình trạng khẩn cấp, nên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế cho phù hợp, không chồng lấn sang các quy định về tình trạng khẩn cấp.