Hiệu quả từ mô hình tiếp công dân của cơ quan thanh tra cấp huyện

Từ năm 2017, tỉnh Lào Cai đã thí điểm thực hiện mô hình chuyển công tác tiếp công dân từ Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (HĐND và UBND) sang Thanh tra huyện. Sau 5 năm thực hiện cho thấy, thực tế là phù hợp với nghiệp vụ, chức năng nhiệm vụ của cơ quan Thanh tra. 90% đơn thư của công dân được giải quyết đúng hạn, đúng qui định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Dẻo ở thôn Phú Cường 1, thị trấn phố Lu, huyện Bảo Thắng là người có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đến Thanh tra huyện để đề nghị giải quyết chính sách được hưởng về miễn, giảm tiền sử dụng đất. Tại đây, ông được cán bộ của Ban tiếp công dân giải thích cặn kẽ, rõ ràng. Ông đã hiểu được câu chuyện, biết được quyền lợi của mình nên rất phấn khởi ra về.

Ông NGUYỄN VĂN DẺO, Thôn Phú Cường 1, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai:Tôi cảm ơn tất cả các đồng chí, ban ngành, các tổ chức của huyện, thị trấn đã đến tận nhà nói chuyện với tôi, đưa tôi đến đây để nói chuyện hoàn cảnh riêng, cũng như hoàn cảnh chung. Thái độ và cách tiếp đón rất niềm nở và rất tính chất nhân dân”.

Ban tiếp công dân huyện Bảo Thắng là mô hình đầu tiên ở tỉnh Lào Cai thí điểm thực hiện Ban tiếp công dân thuộc Thanh tra cấp huyện.. Ban có 6 thành viên do Phó Chánh Thanh tra huyện kiêm nhiệm trưởng Ban. Các thành viên là cán bộ các cơ quan chuyên môn của huyện. Từ khi thành lập (tháng 1/2017) đến nay đã tiếp và nhận đơn thư của gần 1.200 công dân. Tất cả đơn thư đã được xử lý kịp thời, đúng qui định và không để tồn đọng.

Ông NGUYỄN TRỌNG HIẾU, Chánh Thanh tra huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai: “Hiện nay cơ quan Thanh tra huyện đang tham mưu cho huyện cái phần mềm theo dõi quản lý đơn thư trên địa bàn. Hàng ngày, hàng tuần chúng tôi thường xuyên rà soát những đơn thư nào sắp đến thời hạn phải giải quyết thì chủ động tham mưu cho huyện ban hành văn bản để đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cũng như các xã liên quan để giải quyết đơn thư”.

Sau 5 năm thực hiện thí điểm, mô hình này đã bộc lộ được ưu điểm, đó là: do được tiếp cận đơn thư tố cáo của công dân ngay từ đầu, nên đã tham mưu kịp thời cho lãnh đạo huyện để giải quyết. Mô hình không phát sinh thêm số lượng công chức ở địa phương và thành viên của Ban sẽ trực tiếp giải quyết công việc tùy theo từng lĩnh vực. Như vậy sẽ không mất nhiều thời gian nhận, sau đó lại chuyển đến cơ quan liên quan.

Ông NGUYỄN THÀNH SINH, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai: “Mô hình này thì nó sẽ không phát sinh thêm bộ máy, tức là không phát sinh thêm Ban tiếp công dân nữa, mà trực tiếp là cán bộ làm công tác thanh tra tham gia, và tham gia từ khâu tiếp nhận, xử lý rồi tham mưu giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Qua đánh giá thì tỷ lệ đơn thư được tiếp nhận, giải quyết đúng hạn, kịp thời đạt tỷ lệ tương đối cao, trên 90%”.

Tuy vậy, để mô hình này có chỗ đứng trong Luật Thanh tra và được triển khai trên diện rộng thì vẫn cần khắc phục những mặt còn tồn tại. Đó là, bồi dưỡng nghiệp cụ về công tác tiếp dân, tiếp nhận, phân loại xử lý đơn thư; Khi tăng cường sang Ban tiếp công dân thì lại ảnh hưởng đến công việc chung của thanh tra huyện. Điều kiện làm việc của Ban tiếp công dân còn sơ sài, thiếu thốn.

Hồng Ngọc