• 3572 lượt xem
  • 05:15 30/11/2022
  • Văn hóa

Hát Sấng Cọ và nỗ lực gìn giữ của các nghệ nhân

Đồng bào dân tộc Sán Chay có vốn văn nghệ dân gian phong phú và đặc sắc. Trong đó, hát Sấng Cọ là loại hình diễn xướng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hát Sấng Cọ cũng là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Sán Chay và luôn được các thế hệ nâng niu, gìn giữ.

Cũng như nhiều loại hình diễn xướng dân gian được ra đời từ cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của nhân dân, hát Sấng Cọ là điệu hát truyền tải tâm tư, tình cảm, cùng ước mong của đồng bào dân tộc Sán Chay về một đời sống ấm no, hạnh phúc. Hát Sấng Cọ thường được hát trong các ngày hội, trong lao động sản xuất và phổ biến nhất là hát giao duyên. Làn điệu Sấng Cọ cất lên đã se duyên cho bao đôi lứa thành vợ, thành chồng, cho những ngày hội thêm rộn rã, cho rừng cọ, đồi chè thêm ngát xanh.

Nghệ nhân TRẠC THỊ HẬU, Xóm Cầu Bình 1, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên: "Người Sán Chay hát Sấng Cọ vào dịp tết, cưới xin, cầu mùa để giao lưu tìm hiểu, có đôi thành vợ chồng luôn, có khi chỉ là kết bạn thôi."

Chị LÝ THỊ NĂM, Trưởng xóm Cầu Bình 1, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên: "Hát Sấng Cọ là món ăn tinh thần của chúng tôi. Hát trên nương, dưới ruộng, khi gặt hái. Hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước"

Cũng như nhiều loại hình diễn xướng dân gian được lưu giữ và bảo tồn bằng hình thức truyền khẩu. Các nghệ nhân người dân tộc Sán Chay ở xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã duy trì mô hình CLB ca hát nhiều năm nay, để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, năm 2016, khi hát Sấng Cọ của người Sán Chay huyện Phú Lương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, niềm tự hào đó càng nhân lên trong mỗi nghệ nhân và lan tỏa đến các bạn trẻ.

Em TRẦN NGỌC ÁNH, Lớp 6A, Trường THCS Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên: "Con học điệu hát Sấng Cọ lâu rồi và con rất thích. Con rất muốn học để có thể hát thật hay, để phát huy văn hóa của dân tộc mình"

Nghệ nhân TRẠC THỊ HẬU, Xóm Cầu Bình 1, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên: "Tôi thường xuyên nhắc các con, các cháu là phải giữ gìn hát Sấng Cọ của dân tộc mình cho nên tôi sẵn sàng dìu dắt con cháu."

Cuốn sổ có các bài hát Sấng Cọ được nghệ nhân Trạc Thị Hậu tỉ mỉ chép tay và nâng niu, gìn giữ, nay đã úa màu thời gian. Thế nhưng với những người luôn đau đáu với việc gìn giữ văn hóa dân tộc như bà, thì thời gian không chỉ tính bằng ngày, bằng tháng, mà bằng số lần họ truyền dạy lại cho con cháu, bằng việc cứ mỗi ngày lại có thêm những người trẻ biết hát Sấng Cọ. Đó cũng là nỗ lực của mỗi nghệ nhân để giá trị của di sản được lan tỏa và còn mãi với thời gian.

Thanh Hòa