Hành hung bác sĩ được xem là chống người thi hành công vụ

Mâu thuẫn xảy ra giữa nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không phải là vấn đề mới, nhưng cũng chưa bao giờ là cũ. Giải quyết hài hoà mối quan hệ này luôn là vấn đề được quan tâm trong công tác quản lý ngành y tế. Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đang diễn ra, đã thảo luận về Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) để có thêm hành lang pháp lý bảo vệ người hành nghề tại cơ sở y tế.

Bệnh nhân được chuyển đến liên tục và các nhân viên y tế thì luôn tất bật với công việc của mình. 350 - 400 ca, đó là số lượng bệnh nhân mỗi ngày khoa Cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận. Và mỗi kíp trực ở đây có từ 40 - 45 nhân viên y tế để kịp thời cứu chữa cho các bệnh nhân. Thế nhưng, xung đột giữa nhân viên y tế và người nhà người bệnh thì vẫn không thể tránh khỏi. Bởi ai cũng có tâm lý người thân của mình sẽ được cấp cứu sớm nhất.

Bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được nêu tại Điều 109 của Luật Khám chữa sửa đổi là một nội dung được nhiều người làm chuyên môn quan tâm. Cơ sở y tế được trao nhiều quyền hơn. Đặc biệt, có quy định: Người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khoẻ, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh bị coi là người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét đã tăng quyền cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc bảo vệ nhân viên y tế.  Đây là kỳ vọng rất lớn của các cơ sở khám chữa bệnh, với mục tiêu cao nhất là có thể chăm sóc và điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi chương trình!

Nguyễn Trình