Hàng nghìn dự án đầu tư công gây thất thoát lãng phí

Đã có hàng nghìn dự án đầu tư công gây thất thoát, lãng phí, hàng nghìn dự án chậm tiến độ và xu hướng tăng dần qua các năm; hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ. Hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu.

Nêu dẫn chứng cụ thể về lãng phí đầu tư công, đại biểu cho biết, công trình thủy lợi hồ chứa nước Bản Mồng thuộc địa bàn huyện Quỳ Hợp, Nghệ An và huyện Nghi Xuân, tỉnh Thanh Hóa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đã triển khai thi công qua ba nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ, ba nhiệm kỳ Bộ trưởng nhưng vẫn chưa hoàn thành. Hồ chứa nước Bản Mồng có dung tích chứa nước là 225 triệu mét khối, với mục tiêu góp phần giải quyết 1/3 nhu cầu thiếu nước của tỉnh Nghệ An và Nam Thanh Hóa, cũng như nhiều mục tiêu khác cho tưới tiêu, sản xuất công nghiệp. Đây là dự án trọng điểm quốc gia nhưng không tích cực triển khai hoàn thiện gây lãng phí rất lớn.

Ông TRẦN ĐỨC THUẬN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: “Đến nay dự án đã hoàn thành 98% hạng mục xây dựng công trình, chỉ chờ giải phóng mặt bằng lòng hồ là chặn dòng tích nước phát huy hiệu quả dự án. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, việc giải phóng mặt bằng, di dân khu vực lòng hồ thuộc xã Thanh Hòa, huyện Nghi Xuân, Thanh Hóa vẫn chưa thực hiện do vướng mắc về bố trí vốn, liên quan đến thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kinh phí dự án. Đề nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ khó khăn, xác định thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án, sớm bố trí nguồn vốn để tiếp tục thi công hoàn thiện dự án trong thời gian sớm nhất có thể. Để hạn chế thấp nhất lãng phí tài sản nhà nước và khó khăn cho nhân dân sống xung quanh vùng dự án.”

Hay dự án hồ chứa nước Ka Pét tỉnh Bình Thuận chỉ là dự án nhóm B, công trình cấp 2 nhưng phát sinh tiêu chí diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội nên phải mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục. Đến năm 2019 mới được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, sau đó phải chờ phân bổ vốn.

Bà NGUYỄN THỊ LỆ THUỶ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: “Khi được phân bổ vốn đầu tư công thì đơn giá xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi rừng và trồng rừng thay thế đã tăng rất cao nên phải xin điều chỉnh chủ trương. Chính phủ gần như đứng vai trò trung gian làm thủ tục xin Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư. Dự án cứ thế trong vòng luẩn quẩn, đến nay vẫn chưa triển khai được…”

Đại biểu cũng chỉ ra, lãng phí trong các dự án đầu tư công không chỉ xuất phát từ nguyên nhân do chất lượng xây dựng, do kế hoạch vốn chậm, do công tác đấu thầu…mà lãng phí này còn đến từ thiếu sự lồng ghép giữa các dự án với nhau.

Ông NGUYỄN QUANG HUÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương:Có những hồ được xây dựng đa mục tiêu, vừa tạo cảnh quan du lịch, vừa để tưới nước phục vụ tưới tiêu, vừa phục vụ cho cấp nước sinh hoạt. Nhưng hồ làm xong thì không có hệ thống mương tưới tiêu, người dân xung quanh không được dùng nước sinh hoạt, bởi vì hết tiền. Nước sinh hoạt lại nằm ở chương trình khác, dự án khác, cho nên đa mục tiêu không được thực hiện. Hay có những trường hợp có đê ngăn triều làm rất tốt nhưng 300 hộ dân bên phía ngoài đê, bên kia đường thì lại không được hưởng lợi, trong đó có 100 hộ nghèo, lại phải chờ đến chương trình mục tiêu quốc gia và xóa đói giảm nghèo thì người ta mới được quan tâm. Có những đê kè rất đẹp, tạo cho quỹ đất rất tốt nhưng không có tiền làm đường, v.v.. Rất nhiều những lãng phí như thế nằm dọc miền đất nước chúng ta.”

Theo báo cáo, một số địa phương có số dự án phát hiện có thất thoát, lãng phí nhiều phải kế đến như: Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Sơn La, Nghệ An. Các ý kiến cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc chỉ rõ nguyên nhân của những thất thoát lãng phí thì cần phải làm rõ trách nhiệm khi để xảy ra những thất thoát lãng phí này.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam