Hải Phòng: Dự án gặp khó vì Ban quản lý sáp nhập

Sáng 20/4, đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giai đoạn 2016-2021 đối với 3 đơn vị là Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, Ban quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng; Ban quản lý các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Điểm chung của 3 đơn vị chịu sự giám sát là chức năng tiếp nhận, quản lý sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN), vốn nhà nước ngoài ngân sách để đầu tư, xây dựng, bảo trì đối với các dự án, công trình thuộc lĩnh vực giao thông, xây dựng, nông nghiệp. Hàng năm, trên cơ sở kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, các đơn vị đã rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn và chống thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số khó khăn nhất định, nhất là sau khi được kiện toàn, sáp nhập từ nhiều đơn vị.

Ông ĐỖ TUẤN ANH, Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng: “Có khoảng 40 dự án lớn bé, có những dự án tôi cũng không biết làm từ bao giờ, thậm chí có kiến nghị dự án từ mười mấy năm trước về công tác giải phóng mặt bằng. Đến bây giờ người ta gửi đến tôi còn phải hỏi anh em: Dự án này trước đây ai phụ trách? Những dự án đang chờ quyết toán hoặc đang triển khai còn nắm được, còn những dự án thuộc về lịch sử, người phụ trách dự án thì hoặc nghỉ hưu hoặc chuyển cơ quan khác...thì khó nắm bắt.”

Ông TẠ VIẾT ĐÔNG, Ban quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng: “Trong các dự án sáp nhập về, đề xuất thành phố cho dừng 3 dự án sáp nhập mà chúng tôi cho rằng nếu tiếp tục thì có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thành phố như Dự án khu huấn luyện đua thuyền TP Hải Phòng giai đoạn 1 (từ năm 2015); Dự án trung tâm huấn luyện tổ chức thi đấu môn bắn súng, bắn cung (từ 2015); Dự án khu nhà ở sinh viên (từ 2015)".

Ghi nhận những vướng mắc hiện nay của các đơn vị, một số ý kiến thành viên đoàn giám sát đề nghị làm rõ hơn về số liệu báo cáo, để có cơ sở đánh giá, phân tích, đưa ra chính sách phù hợp, phân loại đối với từng loại dự án.

Ông NGUYỄN CHU HỒI, Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: “Tiết kiệm ở khâu nào? Tức là các khâu sau ta cứ điều chỉnh tăng, ta có một tổng số to hơn ban đầu, sau đó ta lại tiết kiệm là được thành tích hay ta thực sự tiết kiệm. Điều này phải rõ vì liên quan đến chính sách. Nếu những thông tin không rõ thì kiến nghị chính sách sẽ không sát.”

Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH Thành phố Hải Phòng cũng đề nghị từ các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra từng năm, các đơn vị cần có báo cáo đánh giá ngay từ khâu lập dự toán các dự án để đưa ra các giải pháp cụ thể trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thanh Nga