Hà Nội: Mở thêm 30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

Cùng với xây dựng nông thôn mới và định hướng phát triển sản phẩm OCOP trên cả nước, Hà Nội đang là một trong những địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao (đạt 100%) và nhiều sản phẩm OCOP có giá trị. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập tới thực tế sản xuất và phát triển nông nghiệp của Thủ đô.

HÀ NỘI PHÁT TRIỂN THÊM TỐI THIỂU 30 ĐIỂM GIỚI THIỆU VÀ BÁN SẢN PHẨM OCOP

Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022, năm nay, thành phố sẽ phát triển tối thiểu 30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố, đồng thời tổ chức thành công lễ khai trương, quảng bá điểm OCOP. Cùng với đó, triển khai xây dựng tối thiểu 1 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện, thị xã.

Thành phố cũng sẽ tổ chức 3-5 tuần lễ quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết hợp tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP với các kênh phân phối, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố; phối hợp với các tỉnh, thành phố để giới thiệu sản phẩm OCOP Hà Nội với các tỉnh, thành phố.

84 HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP THỰC HIỆN LIÊN KẾT THEO CHUỖI GIÁ TRỊ

Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, đến nay, thành phố có hơn 1.300 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có gần 1.100 hợp tác xã đang hoạt động (chiếm 82,7%) và 225 hợp tác xã ngừng/tạm ngừng hoạt động (chiếm 17,3%).

Trong số hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, có 647 hợp tác xã tổng hợp, 341 hợp tác xã trồng trọt, 58 hợp tác xã chăn nuôi, 27 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản và 5 hợp tác xã nước sạch nông thôn. Đáng chú ý, đến nay, thành phố có 84 hợp tác xã nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị; 60 hợp tác xã nông nghiệp tham gia ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 64 hợp tác xã nông nghiệp có 282 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP… Nhiều hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị rất hiệu quả.

HÀ NỘI NHÂN RỘNG MÔ HÌNH SẢN XUẤT THEO CHUỖI

Thực tế cho thấy, những năm qua, nông dân Hà Nội chủ động tiếp cận khoa học - công nghệ, hình thành và nhân rộng các chuỗi sản xuất có giá trị kinh tế cao. Từ đó, góp phần tích cực trong tái cơ cấu nông nghiệp thủ đô, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập.

Việc hướng dẫn nông dân tiếp cận khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình kinh tế theo chuỗi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của Hội Nông dân thành phố. Hàng năm có tới hơn 100 mô hình kinh tế theo chuỗi của các cấp hội nông dân được hình thành, góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo diện mạo mới cho nông thôn Hà Nội. 

Để tiếp tục nhân rộng mô hình, thời gian tới, hội tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội, chính quyền các địa phương tập trung vận động, hướng dẫn nông dân tham gia xây dựng nhiều mô hình sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ mới, mô hình liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi. 

Cùng với đó, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục cùng nông dân Thủ đô xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, thành lập các hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác làm ăn hiệu quả để cung cấp lượng sản phẩm đủ lớn, bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị hỗ trợ nông dân chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ, coi đây là một trong các khâu đột phá phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo đà cho các địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

ĐA DẠNG KÊNH TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP

Nắm bắt được những lợi ích mà sản phẩm OCOP mang lại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, thời gian qua, Hà Nội luôn đồng hành, xây dựng các chương trình quảng bá, các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện; góp phần là “cầu nối” đưa sản phẩm OCOP đến gần với người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh thành trên cả nước.

Đây là 1 diễn đàn liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội tổ chức. Việc tổ chức hội thảo như thế này sẽ tạo điều kiện và là cơ hội để các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, ký kết các hợp đồng tiêu thụ nông sản. Đây được coi là 1 trong những kênh phân phối sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân.

Ông LƯƠNG TIẾN MẠNH, chủ cơ sở sản xuất giò, chả Thúy Mạnh: "Bình thường nếu bán lẻ, quy mô kinh doanh, đối tượng khách hàng của chúng tôi không được rộng, chỉ gói gọn trong 1 địa phương nhất định. Nhưng khi kết nối được với các doanh nghiệp các quận, huyện và các tỉnh khác thì sản phẩm của chúng tôi sẽ được giới thiệu xa hơn, rộng hơn."

Ông ĐỖ HOÀNG THẠCH, Giám đốc điều hành Công ty CP Ubofood Việt Nam: "Tôi cho rằng đây là 1 hoạt động ý nghĩa giúp cho doanh nghiệp cùng 1 lúc có thể gặp gỡ được nhiều doanh nghiệp sản xuất trên cùng 1 địa bàn để tìm chọn, lựa sản phẩm đưa vào hệ thống. Thứ 2 là để chia sẻ với các đơn vị sản xuất về kinh nghiệm trong quá trình kết nối, những cái thiếu, cái khó của đơn vị sản xuất để từ đó quá trình liên doanh, liên kết được tốt hơn."

Để tránh đứt chuỗi cung ứng hàng hóa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hỗ trợ chủ thể đa dạng hình thức quảng bá sản phẩm, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN, Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu và Phát triển cộng đồng tổ chức các khóa học miễn phí về xúc tiến thương mại nông nghiệp và phương thức, kỹ năng, kinh nghiệm bán hàng online, livestream.

Ông NGUYỄN VĂN CHÍ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội: "Thực hiện chỉ đạo về chuyển đổi số của Trung ương và Thành phố Hà Nội. Với mục tiêu cũng là mục tiêu kép vừa chuyển đổi số vừa là kết nối những sản phẩm nông sản chủ lực, thiết yếu tiêu thụ hàng ngày đối với người tiêu dùng thủ đô, chúng tôi cùng Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN đã tổ chức những sự kiện để đào tạo tập huấn cho 444 chủ thể của Hà Nội và một số tỉnh thành trong cả nước để từ đó hiểu được kỹ năng chuyển đổi số ra sao, kỹ năng livestream như thế nào."

Đến nay, thành phố đã xây dựng được gần 50 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Thông qua việc kết nối kênh phân phối và người sản xuất, các sản phẩm OCOP sẽ được giới thiệu đến với đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước, tạo chuỗi liên kết bền vững giúp nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn.

Hà Lan