Hà Nội: Giao thông vẫn hỗn loạn trong ngày đầu phân làn trên đường Nguyễn Trãi

Bắt đầu từ hôm nay (6/8), thành phố Hà Nội tiến hành điều chỉnh phân làn phương tiện bằng dải phân cách cứng trên tuyến đường Nguyễn Trãi nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông. Theo đó, hai làn sát vỉa hè đường Nguyễn Trãi sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ và xe buýt; 3 - 4 làn sát dải phân cách giữa sẽ dành cho ôtô.

Theo ghi nhận, tình hình giao thông trong sáng đầu tiên thực hiện phân làn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân bằng dải phân cách cứng, giao thông vẫn rất hỗn loạn. Các phương tiện vẫn di chuyển theo thói quen hàng ngày.

Anh NGUYỄN THẾ TUÂN, lái xe: ''Tôi thường xuyên đi qua tuyến đường này, như hôm nay tôi phải rẽ vào làn này để đón khách thì cũng bất tiện vì làn trong này là của xe máy và từ làn ôtô để rẽ qua làn xe máy để đón khách và di chuyển tiếp thì vừa ngăn cản hướng xe máy đi."

Theo nhiều người dân, việc lắp đặt dải phân cách cứng trên tuyến đường này là 'chưa phù hợp', gây nhiều bất tiện trong việc di chuyển cho cả người tham gia giao thông cũng như người dân sinh sống quanh đây, nhất là vào giờ cao điểm.

Ông NGUYỄN HỮU NGỌC, Quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội: "Phân làn đường ở tuyến này là rất bất cập, vì tuyến đường này nhỏ, phương tiện rất đông, nhiều phương tiện đi lại. Như ôto buýt bến ở trong nhưng đúng điểm này lại rẽ ra rẽ vào."

Các chuyên gia giao thông cho rằng tuyến đường Nguyễn Trãi có nhiều điểm giao cắt cùng với ý thức tham gia giao thông của người dân, việc triển khai lắp dải phân cách cứng sẽ khó đem lại hiệu quả mà đề xuất này mong muốn trong 1 thời gian ngắn.

TS NGUYỄN XUÂN THUỶ, chuyên gia giao thông: "Người ta chỉ muốn đi nhanh để đến nơi làm việc, đi nhanh để tránh ùn tắc thì ý thức của người dân có mức độ. Thứ hai là giao thông của mình quen mô hình là giao thông hỗn hợp rồi nên việc làm này sẽ rất khó khăn."

PGS.TS PHẠM HOÀI NAM, nguyên Trưởng khoa oto và Cầu đường, Đại học Xây dựng Hà Nội: "Làn đường rộng như đường Nguyễn Trãi, các xe chuyến hướng, đan xen nhau sẽ gây ùn tắc và lộn xộn dẫn tới thời gian đi qua các nút giao cộng với thời gian tiết kiệm được không có hiệu quả gì trong khi chúng ta phải bỏ tiền ra để làm. Nên việc làm này dựa trên mô phỏng giao thông và khoảng cách nút giao thông phải xác đáng chúng ta mới nên làm chứ không phải chỗ nào cũng làm."

Được biết, thời gian thí điểm là 1 tháng từ ngày 6/8 đến 6/9, sau đó Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tổng kết rút kinh nghiệm và có phương án tiếp theo để phù hợp với thực tế. 

Thanh Hải