Góp ý sửa đổi Luật Đất đai: Chuyên gia băn khoăn tính khả thi của các chính sách về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ

Những bất cập, hạn chế trong chính sách bồi thường luôn là “điểm nóng” trong những buổi tọa đàm góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bên lề hội nghị, một số chuyên gia, nhà khoa học đều mong muốn, lần sửa luật này phải đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhân dân.

Bởi một trong những nguyên tắc bồi thường về đất được nêu rõ trong dự thảo, là phải bảo đảm người có đất bị thu hồi, phải có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng làm sao để đảm bảo cả 3 tiêu chí này, thì dự thảo Luật chưa đề cập rõ, đây cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều. 

Ông NGUYỄN VĂN MẠNH - Nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Dự thảo đã có nhiều quy định quan tâm đến lợi ích của người bị thu hồi đất. Nhưng theo tôi nó chưa rõ ở chỗ ai sẽ là người thực hiện. Ví dụ như chính sách hỗ trợ về học nghề, ổn định đời sống kinh doanh, nghe đọc lên thì thích thú. Nhưng người thực hiện là không rõ. Ví dụ nông dân bị thu hồi đất, thì phải đứng ra tổ chức lớp học nghề cho họ. Thì bây giờ ai là người đứng ra tổ chức? Kinh phí đó ai chịu? Theo tôi phải là chủ dự án. Thực tế thực hiện rất hình thức hoặc không thực hiện, mặc dù luật có."

Ông NGUYỄN CẢNH QUÝ - Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Có những dự án sau khi thu hồi đất thì không còn đất để bồi thường cho người bị thu hồi, thì lấy gì để bồi thường về đất cho người bị thu hồi. Điều thứ 2 là việc đảm bảo thu nhập cho người ta là rất khó. /Tốt hơn hay không là phụ thuộc điều kiện sản xuất của người ta, nếu quy định trong luật thì sẽ rất khó. Nếu quy định như vậy thì nhà nước có đủ tiền để bồi thường cho người ta ko? Để hài hòa thì nên quy định vào giá đất, bồi thường cho họ thì khu tái định cư phải điện đường trường trạm đầy đủ.”

Ông NGUYỄN NGỌC LONG - Hội Cựu giáo chức Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Những công trình công cộng mà nhà nước thu hồi đất, thì nhà nước chỉ là đứng ra tổ chức quản lý thu hồi thôi, còn quyền định giá là do 2 chủ thể này. Hiện có 1 điểm bất lợi, là nhà nước dung sức mạnh cưỡng chế của nhà nước để buộc người nông dân giao đất cho chủ thể mới. Tôi cho như thế là không đúng, bất hợp lý khiến khiếu kiện ở đó.”

Ông NGUYỄN VĂN MẠNH - Nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Phát biểu đề dẫn của GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội có nói đến vấn đề học tập kinh nghiệm nước ngoài. Các cơ quan xây dựng dự thảo Luật nên học tập kinh nghiệm nước ngoài. Ví dụ như ở Úc, giá đất và giá nhà gắn với đất hầu như thông báo công khai hàng tháng. Hình thành dự án rồi thì người dân nộp tiền cho ngân hàng thông qua công ty luật, chứ không phải nộp cho chủ đầu tư. Việc sửa đổi Luật Đất đai phải đặt trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền."

Hằng Nga