Góp ý Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi): Quy định cụ thể để thực phẩm chức năng không được xem như "thần dược"

Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và sẽ trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên vào phiên họp tháng 10 tới. Để lấy ý kiến của các chuyên gia, chiều 6/4, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Toạ đàm “Góp ý Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi)".

Với mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm”, Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) đã tập trung vào các quy định liên quan đến nâng cao kỹ năng hành nghề, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám, chữa bệnh và cải cách thủ tục hành chính. Tại Toạ đàm, nêu ý kiến về hình thức tổ chức và phân tuyến cơ sở khám, chữa bệnh, một số chuyên gia cho rằng, dự thảo luật vẫn còn thiếu các quy định trong việc kiểm soát vượt tuyến, chuyển tuyến bất hợp lý. Lấy ví dụ, các ca sinh thường, hoàn toàn có thể thực hiện được tại trạm y tế xã với chi phí thấp nhưng rất nhiều sản phụ vẫn chọn Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đây là những ví dụ điển hình của vượt tuyến không cần thiết.

TS. KHƯƠNG ANH TUẤN, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Y tế, Bộ Y tế: “Bất cập hiện nay là cơ chế chuyển tuyến đang không kiểm soát được. Hiện nay, bệnh nhân có thể tự do chuyển tuyến, bệnh nhân đến những cơ sở người ta muốn, nhưng không đúng với nhu cầu thực tế. Bị nhẹ cũng đến Bạch Mai, Việt Đức. Như vậy người bệnh rất tốn kém và nhận không đúng dịch vụ người ta cần.”

Lãng phí cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm. Bởi, chi phí khám, chữa bệnh hiện nay tương đối tốn kém và đôi khi không cần thiết. Theo các chuyên gia, các quy định về quản lý thuốc, thực phẩm chức năng cần được làm rõ để tránh thiệt hại cho người dân.

TS.Bác sĩ TRƯƠNG HỒNG SƠN, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội y học Việt Nam: “Chúng ta hiện nay đang có một khoảng trống. Bác sĩ kê đơn thuốc, không được kê thực phẩm chức năng. Vậy ai sẽ là người giáo dục cho người dân hiểu về thực phẩm chức năng?”

Đương nhiên sẽ là nhà sản xuất. Và họ sẽ nói quá lên về thực phẩm chức năng như một thần dược và điều đấy rất gây hại cho cộng đồng, xã hội. Vừa mất tiền, vừa không hiệu quả mà bỏ qua những giai đoạn điều trị quan trọng. 

Một số ý kiến khác cho rằng, cần tách riêng nội dung chẩn đoán bệnh với chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc. Do hiện nay có hiện tượng lạm dụng phương pháp chữa bệnh, kê đơn thuốc nhằm trục lợi; đồng thời, cần có nội dung giám sát hoạt động này tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Diệu Linh