Nguồn gốc của đợt khủng hoảng này xuất phát từ vấn đề dịch bệnh, vì vậy cần giải quyết căn bản từ “gốc”. Do đó, đại biểu để nghị gói hỗ trợ cần trọng tâm vào đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cũng như củng cố lực lượng ngành y. Đây là vấn đề được các đại biểu cho ý kiến khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.
Khẳng định khủng hoảng lần này xuất phát từ dịch bệnh COVID-19 chứ không phải xuất phát từ khủng hoảng tài chính như giai đoạn 2007-2008. Do vậy, các chính sách hỗ trợ phải lấy y tế làm trọng tâm, là then chốt, còn chính sách kinh tế vĩ mô là công cụ mang tính hỗ trợ. Trong khi đó, tại Tờ trình của Chính phủ hỗ trợ cho ngành y tế hiện nay đang phân bổ 60.000 tỷ đồng, tương đương với 17,3% tổng gói hỗ trợ. Điều này không tương xứng với vai trò tuyến đầu của ngành y tế trong công tác đẩy lùi dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân.
Ông Nguyễn Như So - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: “Tại một số quốc gia các gói hỗ trợ hầu hết được ưu tiên tập trung cho lĩnh vực y tế, sức khỏe và hỗ trợ thu nhập chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị gói kích thích tài khóa. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung thêm ngân sách cho ngành y tế nhằm tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng y tế. Nếu không có chính sách kịp thời, hiệu quả thì tôi e rằng ngành y tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn lực trong thời gian tới”.
Để nâng cao năng lực của ngành y tế để phòng chống dịch bền vững trong điều kiện mới, phải khẩn cấp hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất cho ngành y tế và củng cố lực lượng của ngành y tế.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Bình quân sắp tới thay vì có 223.000 người nhiễm một tháng thì chỉ còn 74.000, tức là 2.500 ca mới mỗi ngày của cả nước và số người bị chết thay vì là 4.000 người/tháng thì chỉ còn là 45 người chết một ngày. Với nhiệm vụ này chúng ta cần sẵn sàng lực lượng để chung sống lâu dài, phòng dịch.
Khi dịch bệnh xảy ra, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên luôn trong tình trạng căng thẳng vì vừa phải lo ứng phó, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, vừa phải lo khám bệnh, cấp cứu, điều trị bệnh nhân thường tại bệnh viện. Tuy nhiên thu nhập cho đội ngũ này chưa tương xứng. Vì vậy, trong gói hỗ trợ lần này cần tính đến tăng nguồn thu cho nhân viên y tế.
Ông Lưu Bá Mạc - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: Quá trình phục hồi kinh tế cũng cần thực hiện một cách đồng thời với công tác kiểm soát dịch COVID-19, trong đó việc động viên, khuyến khích đội ngũ nhân lực y tế tiếp tục yên tâm công tác đóng vai trò rất quan trọng. Mặc dù tại điểm b khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 3 dự thảo nghị quyết này đã có giải pháp tiền tệ để phát triển cơ sở vật chất và các hệ thống y tế có liên quan. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết hiện nay vẫn thiếu vắng chính sách hỗ trợ đội ngũ y tế.
Chỉ 10 tháng năm 2021, TP.HCM đã có thêm 968 nhân viên ý tế xin nghỉ việc. Đăk Lăk tính đến tháng 11.2021 cũng hơn 70 người xin thôi việc. Một số đại biểu đề nghị không giảm biên chế đối với đội ngũ y tế, cần có chính sách phù hợp hơn để đội ngũ y tế yên tâm công tác trong bối cảnh dịch ngày càng diễn biến phức tạp./.