Gói hỗ trợ: Dân nói 'không được', đại biểu nói 'giám sát'

Trong hai năm qua, Chính phủ đã nhiều lần đưa ra các gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch. Trong triển khai vẫn gặp nhiều vướng mắc khiến có gói chưa giải ngân hết, có gói thì các đối tượng chưa được nhận. Để tránh tình trạng lặp lại, gói hỗ trợ lần thứ ba này, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần tăng cường hoạt động giám sát quá trình thực hiện.

Qua khảo sát, đến nay, vẫn còn nhiều hộ kinh doanh, nhóm lao động yếu thế vẫn chưa được nhận hỗ trợ từ các chính sách, các gói an sinh, tài khoá do ảnh hưởng của COVID-19. Khi được hỏi thì các nhóm đối tượng này cho biết, dù đã làm hồ sơ nhưng do chưa đủ điều kiện hoặc văn bản hướng dẫn chưa chi tiết nên họ chưa được chi trả, thu hưởng hỗ trợ.

Chị NGUYỄN THỊ LAN - Chủ cửa hàng quần áo: “Ngân hàng cũng đưa ra các gói hỗ trợ yêu cầu là làm thủ tục giấy tờ cung cấp cho người ta giấy tờ để người ta hỗ trợ mình. Tôi cũng làm rồi nhưng thực tế thì hồ sơ để tiếp cận gói đấy của nhà nước ý thì rất là nhiều thủ tục và chặt chẽ quá. Đặc biệt các hộ kinh doanh như của mình đây thì khó đáp ứng được. Thực tế thì không đáp ứng được”

Bà LÊ THỊ CHI - Lao động tự do: “Tôi nghe thấy  có hỗ trợ thì tôi cũng có liên hệ với lao động thương binh xã hội ở phương để xem thủ tục như thế nào thì ở đây cũng có hướng dẫn là cái này hiện nay cũng có văn bản rồi nhưng bây giờ mới làm giấy tờ kê khai thôi nhưng sau này rồi sẽ có hỗ trợ sau vì vẫn chưa có hướng dẫn”.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, đối với gói hỗ trợ lần này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tăng cường hoạt động giám sát tại địa phương. Đặc biệt, công tác giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. 

Ông LỮU BÌNH NHƯỠNG - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: “Chúng ta thấy rằng các gói này nằm ở các địa phương, các lĩnh vực khác nhau cho nên rất cần vai trò của các hội đồng nhân dân và các Đoàn đại biểu Quốc hội có thể thực hiện vai trò cá nhân. Tránh tình trạng người thành thị được hỗ trợ, người vùng sâu vùng xa không được hỗ trợ. Bởi Covid-19 liên quan đến tất cả mọi người. Không Covid-19 nhưng họ bị ảnh hưởng chung từ Covid-19 thì ng ta vẫn phải được hỗ trợ nếu ng ta rơi vào hoàn cảnh Quốc hội đã đề ra.”

Ông TRƯƠNG XUÂN CỪ - Uỷ viên Uỷ ban Xã hội của Quốc hội: “Tích cực giám sát , giám sát của Đảng, giám sát của Nhân dân, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, giám sát của tổ chức , giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Đều cũng phải giám sát hết. Nếu làm tốt cái đấy thì chắc chắn rằng là chất lượng, kết quả triển khai sẽ được tốt hơn”.

Ngoài ra, trong quá trình giám sát, các đại biểu kiến nghị, nếu phát hiện hoặc có dấu hiệu sai phạm thì phải nhanh chóng thanh tra, kiểm tra ngay để có phương án xử lý thật nghiêm. Trong đó, cần công khai các hình thức xử lý để tăng tính răn đe sau này.

Thùy Dương