• 2254 lượt xem
  • 21:53 22/06/2022
  • Kinh tế

Góc nhìn hôm nay: Từ giải quyết khó khăn trước mắt cho ngư dân đến chiến lược phát triển thủy sản bền vững

Thời gian vừa qua, giá nhiên liệu liên tục tăng cao đã tác động đến mọi mặt đời sống của người dân, trong đó ngư dân đánh bắt thủy sản cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề. Chi phí đánh bắt tăng nhưng giá thành sản phẩm lại không tăng, thậm chí còn có chiều hướng giảm, nhiều ngư dân đối mặt với nguy cơ bỏ tàu, phơi lưới. Vấn đề này đã được các đại biểu đưa lên diễn đàn Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm nêu thực tế cho biết, tại địa phương, ngư dân rất vất vả khi giá xăng dầu tăng cao. Một số ngư dân ở miền Trung đã phải cho tàu cá nằm bờ. Các ngư dân vươn khơi bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc cũng rất khó khăn, đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng khi giá dầu leo thang. Vì vậy, đại biểu đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Bà NGUYỄN MINH TÂM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: “Với vai trò cơ quan chủ quản, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp trong thời gian tới, đặc biệt là giải pháp phối hợp với Bộ Công Thương để có chính sách bình ổn giá, trợ giá, hỗ trợ cho ngư dân bám biển, đặc biệt có hiệu quả kinh tế”.

Ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Bộ đã làm hết sức mình cùng với các hiệp hội ngành hàng để làm sao giảm thiểu rủi ro nhất trong điều kiện có thể. Trở lại câu hỏi về giá xăng dầu tăng cao, câu này cũng có lẽ là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, là cơ quan quản lý về xăng dầu. Tuy nhiên, tôi chỉ nói một bức tranh rất khó khăn không phải là ngành thủy sản của chúng ta, khó khăn ở xăng dầu, để các địa phương ở các vùng ven biển, 19 tỉnh ven biển và vấn đề này cũng liên quan tới hệ lụy câu chuyện Nghị định 67 của chúng ta trong thời gian vừa qua”.

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN, Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Chúng ta thấy rằng vật tư tăng cao và khan hàng là điều phổ biến trên toàn cầu do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, do lạm phát tăng cao bởi chính sách kích cầu của nhiều quốc gia. Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, Bộ Công Thương bằng mọi chính sách, đặc biệt là chính sách thuế để giảm một số các loại thuế, một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, như là giảm tiền điện hay là giảm lãi suất trong quá trình tổ chức sản xuất, hỗ trợ việc tìm kiếm những nguồn nguyên liệu thay thế đầu vào để giảm các loại chi phí, giảm giá thành sản phẩm. Và điều thứ ba quan trọng hơn là phải có những chính sách an sinh hỗ trợ cho những đối tượng này. Chúng ta không hỗ trợ giá mà hỗ trợ an sinh. Thông qua việc hỗ trợ an sinh để bớt khó khăn cho người dân nói chung và cho những ngư dân bám biển, vươn khơi, làm chủ và khai thác kinh tế biển”.

KIỂM SOÁT IUU VÌ MỘT NGHỀ CÁ BỀN VỮNG

Không chỉ gặp những khó khăn trước mắt vì vấn đề nhiên liệu, từ năm 2017, khi Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) đã khiến ngư dân khó khăn hơn khi giải bài toán đầu ra cho hải sản. 

Hướng tới xây dựng nghề khai thác hải sản có trách nhiệm và phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương, đã thực hiện nhiều giải pháp chống khai thác IUU đạt một số kết quả quan trọng, tàu cá vi phạm vùng biển các nước đã giảm so với các năm trước. 

Phóng sự sau phản ánh thực tế tại tỉnh Quảng Ngãi. 

Những ngư dân Quảng Ngãi đang chuẩn bị cho chuyến biển ở ngư trường Hoàng Sa. Lực lượng Bộ đội Biên phòng xuống tàu kiểm tra kỹ thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá, nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định về hoạt động của thiết bị giám sát hành trình sẽ cho không tàu ra khơi.

Ngư dân TRƯƠNG VĂN Á, thuyền trưởng tàu cá QNg-90499TS: “Tàu chúng tôi ra khơi thì máy giám sát hành trình đảm bảo an toàn, kẹp chì vẫn còn thì tôi mới ra khơi. Trước khi ra khơi, cơ quan chức năng xuống kiểm tra đầy đủ”.

Ngư dân VÕ KÊ, chủ tàu cá QNg-92542TS: “Vươn khơi giờ có giấy tờ đầy đủ là mình không sợ ai hết. Nếu không có giấy tờ thì hơi cực. Mình phải làm cho trọn vẹn. Máy nhắn tin, máy giám sát hành trình có thì anh em họ xuống họ giở ra có là mình đi thôi”.

Đại úy PHAN XUÂN HUỀ, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, Quảng Ngãi: “Đối với các trường hợp chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đơn vị kiên quyết không giải quyết cho đi biển. Các trường hợp cố tình tắt máy giám sát hành trình hoặc vượt trạm để đi khai thác, trạm sẽ tham mưu cho các cấp tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định, nếu còn tái diễn thì sẽ xử lý mạnh tay hơn”.

Quản lý, giám sát chặt tàu cá hoạt động trên biển là biện pháp quan trọng trong công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (hay còn gọi là chống khai thác IUU). Tỉnh Quảng Ngãi có gần 3.260 tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Quảng Ngãi đang gặp khó trong việc hoàn thành mục tiêu lắp đặt 100% tàu cá do còn nhiều tàu nằm bờ hoặc hoạt động ở ngoài tỉnh nhiều năm không về địa phương. 

Ông TRẦN PHƯỚC HIỀN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi: “Hiện nay, tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương, không phải riêng đối với tàu Quảng Ngãi mà tàu các tỉnh khác cũng vậy, có một sự chỉ đạo chung cho tất cả các tỉnh để có biện pháp đồng bộ, cương quyết để qua đó tránh tình trạng tàu Quảng Ngãi không về Quảng Ngãi mà neo đậu ở các địa phương khác để trốn tránh việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình”.

Không chỉ quản lý, giám sát chặt tàu cá hoạt động trên biển, tuyên truyền rộng rãi cho ngư dân về pháp luật về biển đảo, tại Việt Nam còn có “Sách trắng về chống khai thác IUU ở Việt Nam”, trong đó nêu rõ: Các quy định của EC về IUU; nội dung cảnh báo của EC về IUU đối với Việt Nam; quy định của Luật Thủy sản 2017 về IUU; các hành vi vi phạm IUU, hình thức xử phạt của Việt Nam; các hành vi điển hình vi phạm IUU bị lực lượng chức năng xử lý. Chính vì vậy, tàu cá vi phạm vùng biển các nước đã giảm mạnh. Tuy nhiên, để EU gỡ “thẻ vàng” thì không đơn giản.

PGS.Tiến sỹ Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam: Phải nói rằng, khi EU đưa “thẻ vàng” thì cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng đến nay chúng ta chưa gỡ được “thẻ vàng”. Đó cũng là một kết quả chung là chúng ta đã đạt được mục tiêu, mong muốn cuối cùng của chính chúng ta và của chính EU. Tôi cho rằng, để giải quyết vấn đề này, nó phải đồng bộ và toàn diện. 

Hiện nay, chúng ta đang lấy ngư dân là đối tượng, thế mà chúng ta hiểu rằng con tàu nếu cái biển số trên con tàu bị bác đi thì con tàu không còn giá trị ra biển nữa, đó là cái tư liệu sản xuất của ngư dân, giống như cái cày, con trâu của người dân trên đất liền.

Mọi biện pháp mà chúng ta phải xử lý bên cạnh việc ngăn cản được không vi phạm IUU, chúng ta phải bảo đảm khía cạnh nhân đạo. Nếu không dự báo đầy đủ, không nhận diện đúng các vấn đề liên quan đến IUU mà chỉ tập trung vào người dân và con tàu ngư dân không thì tôi cho rằng nó sẽ lệch lạc.

Và mục tiêu để thoát khỏi "thẻ vàng", không bị giơ "thẻ đỏ" nữa vẫn đang còn ở phía trước. Thế cho nên, chừng nào ngư dân không hiểu rằng lợi ích của việc không đánh bắt IUU là cái gì, đó là vấn đề cần tự giác, cần điều chỉnh hành vi của mình là cần phải làm được. Tôi cho rằng cần phải chú ý hơn, bên cạnh đó phải có những giải pháp trước mắt là ngăn cấm nhưng cũng phải có giải pháp lâu dài. Để thực sự ngư dân phải là ngư dân, chứ ngư dân gác tàu lên thuyền thì không phải là ngư dân".  

Để có thể nhanh chóng gỡ “thẻ vàng” IUU, ngoài các giải pháp thực hiện trong nước, trong lĩnh vực đối ngoại, Nhà nước ta cũng đã có nhiều động thái tích cực. Ngày 18/2/2022, tại cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu (EC) Frans Timmermans, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã thông báo các kết quả tích cực của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC về hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đồng thời đề nghị EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU.

Trong cuộc điện đàm chiều 24.5.2022 giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell, Đại diện cấp cao EU ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU với thủy sản Việt Nam. 

Về những giải pháp cần thiết để giải quyết triệt để vấn đề IUU, chúng tôi kết nối với Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trao đổi!

Năm 2022, tình hình ngư trường không thuận lợi, số lượng tàu tham gia khai thác giảm, sản lượng khai thác những tháng đầu năm giảm 34,5% so cùng kỳ. Tín hiệu đáng mừng là hiện nay có 97% tàu cá có hạn ngạch khai thác vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, gần 71% tàu có thiết bị dò ngang, rất thuận lợi trong việc chỉ đạo sản xuất, tổ chức sản xuất. 

Các tổ đoàn kết trên biển được củng cố, đảm bảo bám biển dài ngày, tuy nhiên, giá nguyên liệu tăng cao cùng “thẻ vàng” từ EU và vấn đề IUU đang đặt ra yêu cầu về một chiến lược phát triển thủy sản bền vững với giảm khai thác, tăng nuôi trồng để ổn định đời sống cho 800.000 ngư và gần 4 triệu người làm hậu cần ven biển, quy hoạch lại hệ thống cảng cá theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng cường năng lực quản lý nghề cá, hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các giải pháp chống khai thác trái phép IUU, góp phần bảo đảm sinh kế cho ngư dân cũng như nguồn cung ứng thủy sản cho thị trường EU, đưa thủy sản trở thành một ngành kinh tế hiện đại, đa giá trị.

Thu Quỳnh