Góc nhìn hôm nay: Tiết kiệm, chống lãng phí từ nhận thức và quyết tâm của người đứng đầu

Trong phiên làm việc chiều ngày 24/03, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ý kiến về báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề sát sườn với chúng ta hơn bao giờ hết. Đôi khi lãng phí còn gây thiệt hại hơn cả tham những.

Có thể nói, không phải ngẫu nhiên mà Quốc hội lựa chọn vấn đề này để giám sát tối cao. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã từng nhấn mạnh: Tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề sát sườn với chúng ta hơn bao giờ hết. Đôi khi lãng phí còn gây thiệt hại hơn cả tham nhũng. Nhìn vào bối cảnh hiện nay, ngay trong năm đầu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta đã phải đối mặt với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và trong nước. Ðó là kinh tế toàn cầu bắt đầu chịu tác động bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong nước, kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đặc biệt, dịch Covid-19 kéo dài đã gây hậu quả nặng nề, tác động tiêu cực đối với kinh tế và đời sống của người dân. Vấn đề cấp bách đặt ra trong thời điểm hiện nay là cần bảo đảm tốt nguồn lực lâu dài cho phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế. Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, phải huy động các nguồn lực, thì tiết kiệm, chống lãng phí sẽ là một nguồn tích luỹ lớn nếu cả nước tập trung thực hiện.

Vì tính chất quan trọng, ngay sau khi Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022 có hiệu lực vào tháng 7/2021, đoàn giám sát tối cao đã họp, ban hành Kế hoạch giám sát chi tiết, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội trao đổi và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị nội dung gửi báo cáo. Và mặc dù mới chỉ là báo cáo bước đầu, nhưng cho thấy một số vấn đề nổi cộm trong công tác này. Trước khi đi vào phân tích, hãy cùng chúng tôi trở lại với những ý kiến phát biểu đáng chú ý tại phiên làm việc chiều nay của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN: “Làm rõ vì sao đến ngày 23, mà chưa có báo cáo. Lần này Quốc hội lập đoàn giám sát là tổng lực, nên phải phối hợp, khẩn trương ban hành đôn đốc đối tượng, nơi nào không báo cáo phải có hướng xử lý.”

Bà LÊ THỊ NGA - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội:  “Đối tượng báo cáo hiếm khi thẳng thắn nói ra hạn chế, giống báo cáo này thì chúng ta xem xét thì đều gửi chậm và không gửi, số bộ ngành báo cáo đúng thời hạn rất ít, có những địa phương còn chưa ban hành kế hoạch.”

Ông TRẦN VĂN MINH - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: “Báo cáo không tách rõ được vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí. Nhận thức còn hạn chế, thủ trưởng ở mỗi các giải pháp sắp tới, chúng tôi cũng xin báo cáo tổng hợp, cần tăng cường công tác, trách nhiệm của người đứng đầu, tổ chức quy định về thực hành tiệt kiệm, chống lãng phí.”

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Đất nông lâm trường, bàn giao cho các công trình, bao nhiêu chưa lập bản đồ địa chính, hàng ngàn dự án treo, tất cả rà soát thu hồi hết đất nông nghiệp bỏ hoang còn bao nhiêu, nằm ở tỉnh nào, cả thu, chi ngân sách. Thu mà để thất thu cũng là lãng phí, để sói mòn cơ sở thuế, và muốn quy trách nhiệm cứ loại vào các việc cụ thể mà quy trách nhiệm, cứ vào Đắk Lắk, hồ thuỷ lợi không làm được, trách nhiệm của ai? Làm xong 7 đời không tới được, đấy là lãng phí nhiều hay ít, công trình đó là hơn 3000 tỷ?”

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG - Trường đoàn Giám sát: “Các bộ, ngành khẩn trương bổ sung hoàn thiện báo cáo, tài liệu theo yêu cầu, chuẩn bị nội dung giải trình làm rõ các vấn đề.”

Các báo cáo của các bộ, ngành, địa phương gửi tới đoàn giám sát cho thấy nội dung chủ yếu chỉ mới phản ảnh tình hình, kết quả đạt được, cơ bản thực hiện tốt chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tồn tại, hạn chế hầu hết đều chỉ nêu nhận định chung chung, không báo cáo cụ thể các nội dung chưa triển khai, triển khai chậm, các hành vi vi phạm, gây lãng phí, thất thoát. Trong khi số liệu tổng hợp các báo cáo của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương lại nêu còn nhiều tồn tại, bất cập, vi phạm. Phải chăng đây là hệ quả của việc chỉ coi tiết kiệm, chống lãng phí chỉ là hình thức. Để làm rõ nhận định này, chúng ta cùng tham khảo ý kiến của Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: 

MC: “Thưa ông Đinh Văn Minh, chúng ta có một chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Chính phủ ban hành hàng năm, các địa phương sẽ lập kế hoạch và gửi báo cáo tới Chính phủ tổng hợp, ông đánh giá như thế nào về cách thức thực hiện công việc này của các bộ, ngành, địa phương?”

Ông ĐINH VĂN MINH - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: “Chúng ta phải nói thế này, không phải trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đâu, chúng ta có rất nhiều cái hình thức, tại sao nói hình thức vì hình thức nó rất là đẹp, đến ngày, đến tháng thì có báo cáo rất đầy đủ, số liệu rất ngon nghẻ, trong đó cũng có nói là đã triển khai việc nọ việc kia, nhưng mà bản thân chúng ta ở trong cơ quan theo tôi quan sát là còn rất hình thức. Thực hành tiết kiệm, thực ra chúng ta có luật, nhưng mà tôi nghĩ là nó phải trở thành sự vận động, có tính chất ý thức, đó là một ứng xử có tính chất văn hoá của một công chức, đặc biệt là người đứng đầu. anh phải tiết kiệm từ những cái gì? từ trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, từ việc tổ chức các hội thảo hội nghị, từ việc tổ chức công việc, sinh hoạt hằng ngày, trong một cơ quan nhà nước, sử dụng xăng xe, điện, điều hoà, nhiều thứ lắm mà nếu chúng ta ý thức thì sẽ thấy lãng phí rất nhiều. Đến những hội thảo, hội nghị, chuyện ăn uống, hội trường, hoa tặng, tất cả rất là nhiều thứ. Thế thì tôi nghĩ rằng thế này, vấn đề báo cáo hàng năm, đó là điều rất là cần thiết, để chúng ta có sự điều chỉnh, tuy nhiên tôi nghĩa là chúng ta có luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trong đó rất toàn diện, cụ thể, tiết kiệm như thế, chỗ nào, khâu nào? Từ tiết kiệm về tài chính, ngân sách, tài sản công, đến tiết kiệm trong công tác cán bộ, đến tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên, tiết kiệm thời gian và nhiều thứ. Nhưng mà tôi nghĩ cái đó, phải cần có sự thay đổi về nhận thức, mà thay đổi nhận thức, quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu.”

MC: “Vâng, qua thực hiện phóng sự thực tế, phóng viên THQH cũng ghi nhận nhiều hiện tượng lãng phí, xem nhẹ thực hành tiết kiệm vẫn còn khá phổ biến ở nhiều địa phương, đơn vị, bộ, ngành. Nhất là trong quá trình triển khai những công trình, dự án được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Dường như, chúng ta còn để lãng phí diễn ra công khai trong nhiều lĩnh vực quan trọng mà đáng lẽ ra có thể tiết kiệm hiệu quả. Và theo tôi thấy thì lãng phí khiến dư luận bức xúc nhất là lãng phí trong đầu tư công.”

Cầu Làng Ngòn bắc qua sông Cầu Chày ở Thanh Hoá có chiều dài 113m, nối trung tâm thị trấn Ngọc Lặc với xã Ngọc Khê và các xã vùng phụ cận, có mức đầu tư gần 55 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước nhưng vẫn dang dở gần 10 năm qua, do không đủ vốn.

Ông PHẠM ANH TUẤN - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá: “Do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, trong năm 2013 đã phải tạm dừng lại.”

Tại Đà Nẵng, dự án làng Đại học Đà Nẵng mang tầm vóc khu vực miền Trung, được phê duyệt quy hoạch từ năm 1997, có tổng diện tích 300ha, trong đó 190ha thuộc tỉnh Quảng Nam, hơn 110ha thuộc địa phận TP Đà Nẵng. 25 năm qua, Dự án vẫn chưa triển khai, hàng nghìn hộ dân thuộc vùng quy hoạch ở cả 2 địa phương này không thể làm gì, dù chỉ là gia cố nhà để phòng tránh bão, đất đai thì bỏ hoang đó với vướng mắc về mặt bằng và vốn. Đây chỉ là một vài ví dụ trong số hàng nghìn dự án, công trình dang dở, gây lãng phí tài sản, tài nguyên của quốc gia.

TS.NGUYỄN ĐÌNH CUNG - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Khi không có được sự lựa chọn tốt từ ban đầu, dự án thì sẽ không hiệu quả và đánh giá dự án phải dựa trên hiệu quả KT-XH và khi không có những cái ấy thì dẫn tới sự dàn trải.”

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016-2021, số dự án thực hiện chậm tiến độ dự án. Các dự án hoàn thành không sử dụng được hoặc có vi phạm pháp luật bị đình chỉ, hủy bỏ dự án. Con số là như vậy, nhưng báo cáo này không định lượng cụ thể số thất thoát, lãng phí. 

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: “Hàng năm, báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn bộc lộ những yếu tố chưa thực chất, nó còn mang tính hình thức nhiều, điển hình như là có nhiều tỉnh thì có khi đến tận giữa năm, gần cuối năm mới ban hành kế hoạch thực hành tiết tiệm, có những tỉnh Chính phủ đã tổng hợp rồi mà chưa gửi báo cáo về, điều đó thể hiện rằng là lãnh đạo, những người phụ trách vấn đề này có thể người ta chưa thấy tầm quan trọng của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.”

MC: “Mặc dù chủ trương của Ðảng khẳng định chống tham nhũng và lãng phí, nhưng nếu người đứng đầu xem nhẹ tính chất nguy hại của hành vi lãng phí, chỉ coi đây như là hạn chế, khuyết điểm, thì hành vi lãng phí này vẫn còn đất để dung dưỡng và âm thầm gây thiệt hại nặng nề cho đất nước. Tôi xin được trở lại trao đổi với Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ: Thưa ông, ông nghĩ thế nào về vai trò của người đứng đầu trong thực hiện công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí?”

TS ĐINH VĂN MINH - Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ: “Người ta vẫn nói thủ trưởng nào phong trào đó, một ông thủ trưởng, người đứng đầu một cơ quan tổ chức đơn vị, rộng ra là người đứng đầu một ngành, một địa phương, Người ta có một nếp sống giản dị và luôn luôn trong đầu, trong bất kỳ tổ chức một hoạt động nào đấy của bộ máy, đều tính đến hiệu quả cao nhất, phương thức tiết kiệm nhất, thì cái đó sẽ tạo sức lan toả rất lớn. Tôi nghĩ vai trò của người đứng đầu rất lớn, tôi nghĩ nên có một cuộc vận động, bởi cái này nó là mọi nơi, mọi lúc. Từ việc sử dụng hiệu quả từ hàng nghìn tỷ đồng ngân sách Nhà nước, đến việc điện nước trong cơ quan đơn vị, sử dụng xăng xe. Trong mỗi hoạt động quản lý nhà nước của mình, đều có thể nhìn thấy ra được chúng ta tiết kiệm được gì? Tiết kiệm và thực hành tiết kiệm là một vấn đề rất rộng và dài, trong cả nước và nhân dân cũng vậy, chúng ta phải làm sao đó để mở cuộc vận động để sống một cách tiết kiệm.”

MC: “Ông cũng vừa nói “chúng ta phải làm sao đó để mở cuộc vận động về tiết kiệm”. Vậy cụ thể ở đây là làm thế nào để có một phong trào tiết kiệm, chống lãng phí thực chất và lâu bền thưa ông?”

TS ĐINH VĂN MINH - Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ: Như bác Hồ nói, tiết kiệm không có nghĩa là keo kiệt: khi cần 10 đồng cũng tiêu, nhưng không cần thì một đồng cũng không tiêu. Tôi thấy nhìn ra nước ngoài, người ta có mức sống rất cao, nhưng trong từng việc ăn, ở mặc, sử dụng phương tiện đều rất giản dị. Vậy quay trở lại, chúng ta một mặt trước hết phải thực hiện tốt Luật thực hành tiết kiêm, mặt khác cần vận động giống như người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, khi đã trở thành một nhận thức, một ứng xử văn hoá rồi, như TBT nói là thấm đẫm trong tim, trong gan thì mỗi hành vi đều rất là phù hợp, cái đó mới bền lâu và hiệu quả cao.”

MC: “Xin cảm ơn ông!”

Nếu kiên quyết để xử lý và phòng, chống lãng phí một cách hiệu quả, chúng ta sẽ có thêm nguồn lực để phòng, chống đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Để thật sự làm được điều đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là quyết tâm của người đứng đầu. Giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hy vọng sẽ khẩn trương đánh giá đúng, giải quyết dứt điểm, đúng luật những vấn đề nổi cộm để tháo gỡ nguồn lực cho đất nước và chúng ta sẽ không tốn thêm tiền vào các dự án kém hiệu quả trong tương lai. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh công tác giám sát tối cao của Quốc hội song song với những ví dụ cụ thể trong chuyên mục Nhận diện lãng phí của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Đến đây, tôi xin được kết thúc phần trình bày của mình. 

Thanh Nga