Góc nhìn hôm nay: Tiến độ giải ngân quý 1/2022 đạt thấp - Truy trách nhiệm, tìm giải pháp

Giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, từ đầu năm, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, kết thúc quý I-2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn cả nước vẫn chỉ đạt 11,88% kế hoạch. Vậy đâu là nguyên nhân?

Kết thúc quý I/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn cả nước vẫn chỉ đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đến hết tháng Tư là 18,65%. Trong khi đó, tính đến hết quý I, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã giao chi tiết cho các dự án đạt tới 90% kế hoạch. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch giao, đặc biệt tính đến hết tháng 3/2022, có 13 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch năm 2022 được giao; 29 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng. Với kết quả này, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 còn lại là rất lớn. Vậy nguyên nhân do đâu khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm? Giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ giải ngân? 

Dưới đây là ghi nhận của Truyền hình Quốc hội Việt Nam trong thực hiện các dự án đường cao tốc và tại phiên giải trình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công diễn ra mới đây. Tại phiên giải trình, nhiều khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công được đưa ra thảo luận và tháo gỡ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ, đẩy nhanh tiến độ triển khai giải ngân phải đi đôi với hiệu quả và chất lượng công trình, không giải ngân bằng mọi giá. 

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm là rất lớn. Liệu liều thuốc đặc trị nào có thể chữa được căn bệnh “chậm kinh niên” này? Nhiều chuyên gia hiến kế "phải làm rõ trách nhiệm, có địa chỉ những đơn vị chưa chuẩn bị đầu tư tốt, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị chưa hoàn thành nhiệm vụ". Lý lẽ là bởi, cùng một "mặt bằng pháp luật", nhưng có nơi làm tốt, có nơi kết quả rất thấp. Ở đây rõ ràng nguyên nhân chủ yếu do việc tổ chức thực hiện, chứ không hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch bệnh, hay số lượng dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước còn nhiều như Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo.  Ngoài ra chúng ta cần phải có những khung khổ pháp lý mạnh mẽ hơn. Hiện nay theo quy định, phân bổ vốn đầu tư công thì các địa phương được phân bổ theo một gói lớn, vậy liệu chúng ta có thể có hướng dẫn để rút gọn các quy trình? Đây là việc cần làm của các cơ quan quản lý.

Xin mời quý vị tiếp tục theo dõi chương trình.

Phan Hằng