• 1262 lượt xem
  • 08:48 23/04/2022
  • Kinh tế

Góc nhìn hôm nay: Tăng lương tối thiểu vùng thời điểm nào là phù hợp?

Những ngày gần đây, câu chuyện về tiền lương cùng đề xuất tăng lương tối thiểu vùng được dư luận đặc biệt quan tâm. Trước năm 2020, tiền lương tối thiểu của công nhân thường được tăng mỗi năm từ 5-7%. Thế nhưng, hai năm qua, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu đã không được thực hiện.

Mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thông qua phương án tăng lương tối thiểu từ 180.000-260.000 đồng/người/tháng theo từng vùng (tăng bình quân 6%) từ ngày 1/7 để đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Ngay sau đó, 8 hiệp hội doanh nghiệp cùng kiến nghị Thủ tướng lùi thời điểm tăng lương tới ngày 1/1/2023. 

Như vậy, dù đã hơn 2 năm không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng nhưng việc lựa chọn thời điểm tăng lương hiện chưa có được sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Vậy nên tăng lương tối thiểu vào thời điểm nào cho hợp lý? 

HỘI ĐỒNG TIỀN LƯƠNG QUỐC GIA CHỐT PHƯƠNG ÁN TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG

Sáng 12/4, với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định. Cụ thể, Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất vùng I tăng 260.000 đồng; vùng II tăng 240.000 đồng; vùng III tăng 210.000 đồng và vùng IV tăng 180.000 đồng. 

Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia: “Tôi tin rằng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra quyết định sáng suốt vì người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bởi tăng lương tối thiểu không chỉ cho người lao động mà chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi và phát triển. Việc tăng lương ở thời điểm này có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn đối với người lao động trong bối cảnh họ gặp khó khăn, thậm chí là khó khăn gay gắt.”

Hai năm qua, lương tối thiểu không tăng, nhiều giai đoạn phải nghỉ, giãn việc do ảnh hưởng của Covid-19 khiến thu nhập của công nhân, người lao động đều bị ảnh hưởng. Còn giai đoạn hiện nay, đời sống của người lao động càng khó khăn hơn khi nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá. Vì vậy, mong mỏi lớn nhất của người lao động lúc này là được tăng lương để mức sống đảm bảo hơn.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, hiện các doanh nghiệp đang tập trung ưu tiên khôi phục sản xuất sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó mức tăng lương bao nhiêu phần trăm cần có tính toán để đưa ra phương án cụ thể, đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp, tránh tạo ra “cú sốc” đối với doanh nghiệp song phải đủ bù trượt giá trong những năm chưa tăng.

Hiện nay, trong 7 yếu tố làm căn cứ để điều chỉnh mức lương tối thiểu đã có nhiều yếu tố thay đổi mạnh như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan hệ cung cầu lao động... Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với hoạt động khôi phục sản xuất kinh doanh và sự hồi phục của nền kinh tế trong điều kiện thích ứng linh hoạt, lúc này là thời điểm “chín muồi” để điều chỉnh mức lương tối thiểu nhằm đảm bảo cho người lao động có cuộc sống tốt hơn, đồng thời đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định; giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do thiếu hụt lao động. 

TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG VẪN CÒN NHIỀU TRANH CÃI

Trải qua hai năm dịch Covid-19, cuộc sống của những người thu nhập thấp đang đối diện rất nhiều rủi ro, bấp bênh và cả nhiều cú sốc lớn. Chính vì thế, để bảo đảm người lao động yên tâm quay trở lại làm việc, thị trường lao động hoạt động bình thường và thu hút được nhân lực vào các trung tâm công nghiệp, việc tăng lương tối thiểu vùng là điều cần thiết không thể tránh khỏi và cần phải làm nhanh để hỗ trợ người lao động. Tăng lương tối thiểu vùng không chỉ san sẻ khó khăn với người lao động mà còn giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Tuy nhiên, mới đây, 8 hiệp hội ngành hàng đã có văn kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2023 thay vì ngày 1/7/2022 theo đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia. Lý do không phải doanh nghiệp né tránh trách nhiệm với người lao động mà bởi quyết định này sẽ khiến các ngành hàng càng khó khăn hơn trong bối cảnh vừa phục hồi sau 2 năm vất vả vì đại dịch Covid-19.

Là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, tất cả các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng của Tổng Công ty May 10 đều được xây dựng từ cuối năm trước, không thể tăng giá bán để bù đắp chi phí. Vì vậy, với quyết định tăng lương tối thiểu lên 6% từ ngày 1/7/2022, doanh nghiệp khó xoay xở kịp do thời điểm quá gần.

Ông BẠCH THĂNG LONG, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10: “Doanh nghiệp mới phục hồi còn có nhiều khó khăn khó dự đoán, và kế hoạch sản xuất đã chuẩn bị sẵn với mức lương từ 1/7 sẽ quá gấp gây khó cho doanh nghiệp.”

Còn theo đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các doanh nghiệp phần lớn trả lương dựa trên năng suất lao động của công nhân, 99% doanh nghiệp trả cao hơn lương tối thiểu. Vì vậy, lương tối thiểu không phản ánh đúng mức lương mà doanh nghiệp trả cho công nhân. Trong khi đó, quyết định tăng lương tối thiểu sẽ là một gánh nặng rất lớn về chi phí cho doanh nghiệp. 

Bà ĐỖ THỊ THUỲ HƯƠNG, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam: “Chúng tôi lo ngại tăng mức lương tối thiểu vùng sẽ làm dâng lên mức phí đóng các khoản bảo hiểm đối với các doanh nghiệp. Mức lương bây giờ chúng tôi cũng trả cao hơn mức tối thiểu vùng đặc biệt là doanh nghiệp điện tử sản xuất”.

Ông NGÔ SỸ HOÀI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: “Tôi muốn nhấn mạnh chỉ lùi chứ không huỷ bởi doanh nghiệp bị tác động mạnh của đại dịch, ngành công nghiệp gỗ bị ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt ngành gỗ trên thực tế đã trả lương cao hơn nhiều lần so với mức lương chính phủ quy định".

Trước những khó khăn này, các hiệp hội ngành hàng đang sử dụng lượng lao động đông nhất Việt Nam kiến nghị lùi thời điểm tăng lương xuống 1/1/2023. Theo họ, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn khi dịch chưa kết thúc, lao động là F0 tiếp tục xuất hiện, làn sóng biến chủng mới vẫn đe dọa sản xuất, lùi thời gian tăng lương tối thiểu vùng sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Ông HOÀNG QUANG PHÒNG, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI: “Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn điều chỉnh cho phù hợp từ 1/1/2023, doanh nghiệp mong muốn lùi lại chứ tăng luôn thì vất vả quá, doanh nghiệp cần điều chỉnh lại phương án kinh doanh, các chỉ số tăng trưởng của doanh nghiệp bên cạnh đó các đơn hàng đã được chốt nếu điều chỉnh doanh nghiệp vất vả thêm vấn đề sổ sách, tính toán.”

Việc 8 hiệp hội doanh nghiệp cùng kiến nghị Thủ tướng lùi thời điểm tăng lương tới ngày 1/1/2023 cho thấy, dù đã hơn 2 năm không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng nhưng việc lựa chọn thời điểm tăng lương như hiện nay chưa được sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Khi doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ khiến những người lao động đã rời bỏ thị trường lao động quay trở lại, giúp doanh nghiệp giải bài toán thiếu hụt lao động. Nhưng nếu tăng lương ngay thời điểm 01/7/2022 sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình huống vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người lao động và sự tồn vong của doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, dùng tất cả nguồn lực có thể để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn thông qua các gói hỗ trợ. Trong năm 2021, chúng ta không tăng lương tối thiểu cho người lao động bởi khi đó, các doanh nghiệp cũng đang thiệt hại nặng nề. Đến thời điểm này, việc điều chỉnh lương tối thiểu có đại diện của 3 bên: Đại diện người sử dụng lao động  - doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người lao động - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chắc chắn đã tính toán, bàn bạc, cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, khoa học để đưa ra đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. 

Theo chúng tôi, căn cứ vào các yếu tố, trên cơ sở khoa học, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, thì việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 là phù hợp, kịp thời hỗ trợ người lao động, không ảnh hướng đến đà phục hồi của nền kinh tế. Còn với các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện việc tăng lương tối thiểu vùng, chúng ta có thể áp dụng các gói hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp, công khai và công bằng. Cũng hy vọng việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ tạo tâm lý phấn khởi cho người lao động hăng hái lao động, sản xuất, cống hiến và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Thanh Nga