• 1453 lượt xem
  • 05:32 18/10/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Tăng lương tối thiểu lên 1,8 triệu hay 2 triệu đồng?

Mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng, dùng để tính lương cho công chức, viên chức theo ngạch, bậc nhưng nay đã “lạc nhịp” so với mức tăng giá hàng hóa, nhu yếu phẩm. Nếu thực hiện được mức tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng hay 2 triệu đồng, dù chưa nhiều nhưng cũng là kịp thời, khi chúng ta chưa có điều kiện cải cách tiền lương.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri Cần Thơ ngày 13/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin: Các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng/tháng, thời gian thực hiện từ 1.7.2023. Đây là tin vui đối với những người làm việc tại khu vực công có thu nhập chủ yếu dựa vào lương.

Trước đó 3 ngày, khai mạc phiên họp 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 – 2023, các đại biểu đã cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương công chức, viên chức để trình Quốc hội tại phiên họp thứ 4, dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới.

Mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng, dùng để tính lương cho công chức, viên chức theo ngạch, bậc nhưng nay đã “lạc nhịp” so với mức tăng giá hàng hóa, nhu yếu phẩm. Nếu thực hiện được mức tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng hay 2 triệu đồng, dù chưa nhiều nhưng cũng là kịp thời, khi chúng ta chưa có điều kiện cải cách tiền lương. Đời sống công chức, viên chức, người về hưu đang gặp nhiều khó khăn sau khi đã khống chế được đại dịch Covid 19, vì đây là những đối tượng cuối cùng chưa được tăng lương.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng lên qua các năm, dù mức tăng dưới 4% là mức Quốc hội cho phép, nhưng vấn đề trượt giá chung sẽ làm cho thu nhập thực tế của người lao động giảm xuống. Vì vậy, những khó khăn sẽ tăng lên đối với người hưởng lương nói chung và những người hưởng lương trong khu vực công, nói riêng.

Theo khảo sát của Viện Công nhân, Công đoàn, tiền lương khối nhà nước mới đảm bảo khoảng 50-60% nhu cầu sống tối thiểu, nên không đủ tái tạo sức lao động và không có tích lũy, vì vậy không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, nhưng cần thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, ưu đãi đối với người có công.

Theo 1 thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, trong bối cảnh hiện nay, tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực công phải được xem như vấn đề cấp bách và cần được giải quyết theo tinh thần cấp bách. Do vậy, cần thiết phải tăng lương ngay từ đầu năm 2023, thậm chí có thể tiến hành ngay trong quý 4 năm 2022 này. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có gần 40 nghìn công chức, viên chức khu vực công bỏ việc, chuyển việc chỉ 2 năm 6 tháng qua, chủ yếu do chế độ lương thấp, không đảm bảo được cuộc sống.

Cũng có ý kiến đề xuất là liệu có thực hiện tăng lương được ngay trong quý 4 của năm 2022 không, vì với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được ngay từ cuối quý 4 và cho truy lĩnh. Tuy nhiên, quý 4 chỉ còn khoảng 2,5 tháng nữa, mà quy trình và thủ tục điều chỉnh tiền lương không phải nói một cái mà thực hiện được ngay. Thời điểm thực hiện tăng lương đã chậm, nếu nay lại kéo dài đến 1/7/2023, thì vấn đề đang cấp bách này lại không được giải quyết theo tinh thần ngay và luôn. 

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Ngọc Dũng