• 1425 lượt xem
  • 13:17 14/05/2022
  • Kinh tế

Góc nhìn hôm nay: Giám sát và minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán

Góc nhìn hôm nay đề cập thị trường sôi động và khá nóng trong những tháng gần đây, đó là thị trường chứng khoán.

Ngày hôm nay, thị trường chứng khoán lại có một phiên giảm mạnh, VNindex đã thủng ngưỡng 1200 xuống còn gần 1183 điểm. Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm  thật ra cũng tương đồng với diễn biến thị trường chứng khoán thế giới sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8.3% trong tháng 4 cùng với những bất ổn chính trị tại Ukraine đã và đang gây ra những tác động tiêu cực trên thị trường thế giới. 

Tuy nhiên, điểm khác biệt của chúng ta là việc tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, cần được quan tâm và đánh giá kỹ. Bên cạnh đó, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. 

Việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm. Đây cũng là một trong những nội dung được các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu ý kiến tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra tại Thủ dô Hà Nội từ ngày 11-13/5/2022:

Bày tỏ lo ngại trước trước thực trạng “nóng”, phát triển thiếu tính bền vững, ổn định của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu trong thời gian qua, các ý kiến đề nghị, cần phải tăng cường quản lý, giám sát, xử lý nghiêm những sai phạm, sớm có giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư liên quan tới thị trường chứng khoán và trái phiếu.

Ông VŨ HỒNG THANH - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: “Thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm; số lượng lớn các nhà đầu tư mới không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định…”.

Bà LÊ THỊ NGA - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp: “Chúng tôi đề nghị cần nghiên cứu để có giải pháp phù hợp. Bên cạnh trách nhiệm của các doanh nghiệp, cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán trong việc để xảy ra tình trạng này. Về thị trường trái phiếu, cần đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua. Trong đó, cần làm rõ những rủi ro do các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và cần có những giải pháp phù hợp.”

Bà NGUYỄN THỊ THANH - Trưởng Ban công tác Đại biểu: “Vừa rồi, Chính phủ đã có hội nghị chỉ đạo về vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, rủi ro tín dụng ngân hàng, chứng khoán. Tôi cũng cho rằng đây là nội dung đại biểu Quốc hội cũng như dư luận nhân dân quan tâm. Do vậy, để mình chủ động cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội cũng như dư luận nhân dân trong nước, đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá cụ thể, chi tiết hơn trong báo cáo của Chính phủ về vấn đề này.”

Thị trường chứng khoán cần minh bạch hóa, phát triển đúng đắn, chính xác và tất cả các sai phạm ảnh hưởng đến thị trường đều phải bị xử phạt nghiêm minh. Đó là điều mà các nhà đầu tư cũng như các chuyên gia kinh tế mong mỏi để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Nhiều năm qua, thị trường chứng khoán có bước phát triển mạnh mẽ, là kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp nhưng cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến tâm lý, bức xúc, mất niềm tin cho nhà đầu tư thời gian gần đây. Từ những yếu tố khách quan như nghẽn lệnh, làm giá, thao túng đến xử phạt các hành vi vi phạm đã làm cho nhà đầu tư khó tránh khỏi những nghi ngờ về sự bắt tay, thông đồng giữa các bên, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. 

Ông VÕ CHÍ THÀNH - Chuyên gia kinh tế: "Hai năm vừa qua, theo hướng của TTCK, trái phiếu, thì đâu đó dựa vào tiền rẻ, dựa vào sự tham gia ồ ạt của các F0, cùng chất chuyên nghiệp chưa cao. Chưa kể một số thời gian bị lũng đoạn bởi các nhóm dẫn dắt, cá mập."

Đơn cử như vụ việc liên quan đến FLC hay công ty chứng khoán Trí Việt, giá trị cổ phiếu bị nâng khống hàng chục lần so với thực tế bằng những chiêu lách luật như công bố lợi nhuận “ảo”, kết quả kinh doanh hay những kế hoạch trung và dài hạn đẹp đến mức “ru ngủ” các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm.

Mới đây, tại Hội nghị về Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán 2022, các chuyên gia đã chỉ ra các chiêu trò mà các doanh nghiệp thường sử dụng là lập quy hoạch dự án tại những địa phương có thanh khoản tốt, giá trị kinh tế cao như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Nha Trang,… làm bình phong cho sự phát triển. Nếu dự án được thực hiện, doanh nghiệp sẽ huy động vốn từ vay ngân hàng, trái phiếu để triển khai, tạo uy tín và lòng tin của nhà đầu tư. Bước tiếp theo là phát hành thêm cổ phiếu và thổi giá.

Ông NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG - Công ty CP Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh: Cơ quan Nhà nước cần kiểm soát các hoạt động truyền thông trên mạng, kiểm soát doanh nghiệp như đưa ra các chuẩn mực kế toán cụ thể, chặt chẽ để các doanh nghiệp không có điều kiện đưa thông tin tài chính sai lệch, dẫn dắt nhà đầu tư, đầu tư không chính xác.”

Xuất phát từ những mục đích xấu nhằm huy động vốn trái phép, pha loãng vốn của nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp cố ý làm sai lệch các số liệu, xem việc công bố thông tin là công cụ làm biến dạng thị trường. Đây là những hành vi mà Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán cần đưa vào khuôn khổ pháp lý đủ rộng, đủ mạnh mới có thể tạo lòng tin cho nhà đầu tư cũng như thực hiện tốt lộ trình theo Quyết định 242/2020 của Thủ tướng Chính phủ. 

Liên quan đến vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, tại Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần làm rõ ưu điểm, nhược điểm, đặc biệt là đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp khi trong năm 2022 có quá nhiều những diễn biến rất bất thường; cần làm rõ trách nhiệm, nhất là lỗi chủ quan, xác định cơ quan nào, đối tượng nào chịu trách nhiệm:

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Chứng khoán bây giờ quá bất thường, sáng hôm qua giảm đến 54 điểm, chiều lại đảo chiều trở lại tăng lên dương. Ngày hôm kia giảm đến gần 60 điểm. Một phiên mà giảm đến hơn 4,4%. Tôi ngày nào cũng xem về chứng khoán, không biết các đồng chí điều hành vĩ mô các đồng chí có xem không, chờ cơ quan báo cáo thì rất lâu. Chiều mở ra xem thì lại đảo chiều tăng 24 điểm. Bất thường như thế các đồng chí thấy có yên tâm không?

Phải đánh giá cho kỹ vấn đề này và đánh giá tác động của trái phiếu doanh nghiệp năm ngoái. Năm ngoái chúng ta để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển quá nóng. Các đồng chí cứ dẫn số liệu ra, nêu cho đại biểu Quốc hội biết, tổng số phát hành năm ngoái trái phiếu doanh nghiệp là bao nhiêu, trong đó trái phiếu doanh nghiệp cho bất động sản là bao nhiêu, nợ đến hạn là bao nhiêu? Nợ đến hạn không có khả năng thanh toán là bao nhiêu? Việc đó nguyên nhân ở đâu…? Luật Chứng khoán mới sửa, nghị định vừa ban hành, các đồng chí đã nói là không chặt chẽ, sơ hở thì ai chịu trách nhiệm chỗ này?”

Thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp đã và đang trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng theo đúng chủ trương của Nhà nước và phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng trong những năm vừa qua. Trong những năm gần đây, hàng loạt các văn bản quy định quan trọng đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. 

Cụ thể như Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp 2020, các Nghị định 153, 155 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh đã phát sinh các rủi ro tiềm ẩn, một số hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian gần đây có vi phạm và một số sai phạm nghiêm trọng mang tính chất lừa đảo đã được cơ quan có thẩm quyền khởi tố. Do đó, các cơ quan quản lý vẫn cần thắt chặt hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như quản lý thị trường chứng khoán: 

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, về trách nhiệm giám sát thị trường chứng khoán, pháp luật đã quy định rất rõ ràng 3 lớp: Sở Giao dịch chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và lớp rà soát trực tiếp của công ty chứng khoán ngay từ đầu tham gia thị trường. Liên quan đến việc thao túng giá trên thị trường chứng khoán thời gian qua, theo Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có những giám sát, cảnh báo, xử lý các vụ việc vi phạm theo chức năng. 

Nhấn mạnh đến việc phát triển TTCK minh bạch, bền vững, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tại Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì cách đây 1 tuần, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn thị trường tài chính tiền tệ, không để xảy ra các vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý, nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế. Bộ Tài chính cũng đưa ra một số giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, bền vững.

Ông NGUYỄN ĐỨC CHI - Thứ trưởng Bộ Tài chính: “Trước hết, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tổ chức điều hành thị trường. Đối với thị trường cổ phiếu, chúng ta cần tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường tính tuân thủ của các DN trên thị trường. Đối với thị trường trái phiếu DN, cần phát triển theo hướng bền vững, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ.”

Đồng thời, triển khai công tác tái cấu trúc TTCK theo 4 trụ cột, đó là tăng cường chất lượng của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; tăng cơ sở các nhà đầu tư, tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường và cơ cấu lại thị trường.

Với những vụ việc thao túng thị trường chứng khoán thị trường thì thời gian vừa qua, các Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã giám sát và thực hiện cảnh báo, xử lý các vụ vi phạm theo phạm vi thẩm quyền. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng thường xuyên, chủ động yêu cầu 2 sở tăng cường giám sát chặt chẽ các mã giao dịch chứng khoán của các tổ chức niêm yết có kinh doanh thua lỗ nhưng giá cổ phiếu lại tăng phiên liên tiếp; các giao dịch có khối lượng lớn, có dấu hiệu bất thường thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức kiểm tra, chủ động và chuyển cơ quan công an xử lý theo thẩm quyền, đối với các vụ việc vi phạm pháp luật như FLC, Tân Hoàng Minh… 

Tuy nhiên, để bảo đảm thị trường chứng khoán được phát triển minh bạch, bền vững, bảo đảm an toàn thị trường tài chính tiền tệ, không để xảy ra các vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu và việc phát triển kinh tế đất nước thì phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh những sai phạm, nếu có, ở đây cũng lưu ý thêm là không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế. Bên cạnh đó, theo chúng tôi cũng cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tổ chức điều hành thị trường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát để kịp thời phát hiện và hạn chế rủi ro trên thị trường chứng khoán.

Huy Nhật