Góc nhìn hôm nay: Phải đóng thêm thuế do tồn tại quy định khiến doanh nghiệp đang lỗ thành lãi

Cùng với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế thì vẫn còn những quy định liên quan đến chính sách thuế chưa thực sự phù hợp với những cách tính chi phí nộp thuế khiến doanh nghiệp đang từ lỗ trở thành lãi và phải nộp thuế thu nhập trên số tiền mà họ đã thực chi. Nhiều điểm chưa thực sự hợp lý trong chính sách thuế đang khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Sau thời gian dài hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ do dịch bệnh, sang năm 2023, nhiều doanh nghiệp bắt đầu đưa công việc trở về quỹ đạo ban đầu. Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính đã đề xuất giải pháp gia hạn hơn 100.000 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất trong năm 2023. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất, gia hạn 6 tháng đối với thuế giá trị gia tăng; Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 tháng. Đối với tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp tiền đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân. Tuy nhiên, cùng với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế thì vẫn còn những quy định liên quan đến chính sách thuế chưa thực sự phù hợp với những cách tính chi phí nộp thuế khiến doanh nghiệp đang từ lỗ trở thành lãi và phải nộp thuế thu nhập trên số tiền mà họ đã thực chi. 

Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi phí thực tế phát sinh cho hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có đầy đủ hồ sơ, chứng từ. Doanh nghiệp để vay ngân hàng đã phải đáp ứng những điều kiện hết sức chặt chẽ và trả lãi đúng hợp đồng, không hề có yếu tố liên kết. Vì vậy, theo ý kiến của đại diện doanh nghiệp, không thể xác định quan hệ vay tiền (tín dụng) ngân hàng là giao dịch liên kết và chi phí đối với các khoản vay trung, dài hạn phải được hạch toán đầy đủ để thể hiện đúng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Theo nhiều chuyên gia, với quy định tổng chi phí lãi vay không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần tại Nghị định 132 không phù hợp với một số doanh nghiệp Việt Nam.
Nguyên nhân là do hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu. Đặc biệt, ở nhiều tập đoàn, công ty con do năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên công ty mẹ phải đứng ra mới có thể huy động được vốn và phân bổ xuống các công ty con. Vì vậy, nếu tổng chi phí lãi vay trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, chi phí hợp lý, hợp lệ thì nên được chấp nhận.

 

Thực tế đã cho thấy chính sách thuế đang có nhiều điểm chưa thực sự hợp lý, khiến các doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động, thậm chí đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục hoạt động. Trở lại câu chuyện về giao dịch liên kết và khống chế mức trần chi phí lãi vay, quy định khống chế chi phí lãi vay trong chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ hạn chế doanh nghiệp vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, qua đó góp phần chống chuyển giá thông qua hình thức vay vốn giữa các bên liên kết, hạn chế thất thu Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, với hiện trạng của Việt Nam, không doanh nghiệp nào có thể tồn tại và phát triển nếu chỉ dựa hoàn toàn vào vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp có thể huy động vốn vay từ các bên liên doanh liên kết, từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng từ phát hành trái phiếu và các khoản nợ khác. Vấn đề là làm sao để phân định chủ thể giao dịch liên kết hay giao dịch vay nợ, tín dụng đơn thuần để chấp nhận cho phí hợp lý cho doanh nghiệp. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thu Quỳnh