Góc nhìn hôm nay: Những rào cản hạn chế phát triển năng lượng

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu phát triển năng lượng quốc gia phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Thế nhưng thực tế còn nhiều khó khăn, rào cản trong thực hiện mục tiêu này.

Những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tốc độ nhu cầu năng lượng tăng cao cũng gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi dẫn đến việc chúng ta phải nhập khẩu điện và tương lai có thể phải đối diện nguy cơ thiếu hụt điện năng.  

Quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc cần phải mở rộng nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo và nâng cao độ linh hoạt của lưới điện để cho phép tích hợp hơn nữa các nguồn năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, việc xây dựng một khung pháp lý linh hoạt nhằm hỗ trợ cho quá trình phát triển của thị trường các công nghệ chuyển dịch năng lượng đa dạng cũng là một vấn đề cần được ưu tiên. Việt Nam đã có đầy đủ những điều kiện cơ bản để thực hiện chiến lược năng lượng tái tạo mà đặc biệt là điện gió. Vấn đề cơ bản nữa là cơ chế chính sách, chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đặc biệt khi chính phủ đặt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập trong các văn bản pháp luật, đang là rào cản cho các ngành, địa phương, đơn vị trong phát triển năng lượng là ghi nhận của tổ công tác của Đoàn Giám sát chuyên đề “việc thực hiện các chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021” khi khảo sát thực tế tại 2 tỉnh Thái Bình và Quảng Ninh vừa qua.

Thu Quỳnh