• 3613 lượt xem
  • 00:17 19/08/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Ngân sách cho giáo dục: Nhiều hay ít?

Theo công bố Báo cáo phân tích ngành Giáo dục Việt Nam năm 2011-2020 mới đây, mức đầu tư cho giáo dục có xu hướng tăng đều trong từng năm của giai đoạn 2011-2020, trung bình đạt khoảng 17-18%, có năm gần 19%. Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có báo cáo, tỷ lệ chi ngân sách cho toàn ngành giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước.

Điều này được Bộ GDĐT coi là một trong những tồn tại, hạn chế của năm học. Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục như vậy là nhiều hay ít? Mời quý vị cùng chúng tôi nhìn nhận trong chương trình hôm nay.

NGÂN SÁCH DÀNH CHO GIÁO DỤC ĐÀO TẠO VẪN THẤP

Theo báo cáo mới được công bố thì nhiều năm qua, mức chi cho giáo dục chưa đạt 20% tổng chi ngân sách mà Luật Giáo dục 2019 đã đề ra. Tỷ lệ ngân sách dành cho GD&ĐT như vậy là nhiều hay ít, ảnh hưởng thế nào tới chất lượng giáo dục, chúng ta cùng nghe quan điểm của ĐBQH, của chuyên gia ngay sau đây.

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “NS các địa phương không bảo đảm, chi thường xuyên ngân sách dành cho giáo dục là 20% nhưng luôn thiếu. Cao nhất chi cho giáo dục vào năm 2016 là 18,6%, từ 2017 đến 2021 là trên dưới 17%. Như vậy không đủ, trong bối cảnh yêu cầu với ngành giáo dục rất cao".

Ông HOÀNG MINH SƠN, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Ngân sách Nhà nước cấp cho giáo dục đại học ở mức rất là thấp, thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình của các nước trong khu vực. Bên cạnh đó kinh phí chi thường xuyên cho các trường đại học bị cắt giảm hằng năm theo lộ trình để các trường phải tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên càng gây khó khăn cho các trường trong việc phát triển các chương trình đảm bảo chất lượng, thúc đẩy nghiên cứu để phục vụ cộng đồng trong khi đây chính là nơi mà Nhà nước phải đầu tư bởi vì đầu tư cho giáo dục đại học mang lại lợi ích rất lớn không phải chỉ trước mắt mà cho lâu dài phát triển bền vững của đất nước."

Ông PHAN VIẾT LƯỢNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Đầu tư cho giáo dục đại học không có gì mới, đang cào bằng. Mức đầu tư cho giáo dục đại học, dạy nghề vẫn ở mức thấp. Dù chi phí người học phải đóng góp thấp nhưng trên tổng mức đầu tư lại rất cao so với các nước trong khu vực. Đầu tư chưa thiết thực".

TS NGUYỄN ĐỨC CƯƠNG, Trường ĐHSP Huế: “Luật đặt ra là 20% nhưng nó lại tùy thuộc vào NSNN, vào sự tăng trưởng. Chúng ta xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, như vậy đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng được, đặc biệt chương trình GDPT 2018 càng phải đầu tư đồng bộ hơn thì mới thực hiện thành công được.”

PGS.TS NGHIÊM ĐÌNH VỲ: “Phải tiếp tục thực hiện xã hội hóa nhưng Nhà nước nên đầu tư cho giáo dục với mức tăng lên. Với cá nhân tôi mức chi như hiện nay là thấp”.

Ông PHẠM VŨ QUỐC BÌNH, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN: “Con số tuyệt đối chi cho giáo dục vẫn còn rất thấp điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo các cấp, các trình độ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chi cho giáo dục nghề nghiệp còn có 8% trong tổng số chi ngân sách cho giáo dục vì thế chúng tôi đề nghị tăng chi ngân sách cho giáo dục đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đặc biệt là thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp."

Ngay sau đây, chúng tôi sẽ kết nối điện thoại với ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban VHGD của Quốc hội. 

Vấn đề tự chủ tài chính vì thế là một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi tại Hội nghị tự chủ ĐH năm 2022, và cũng đang là vấn đề nan giải hàng đầu của các trường đại học công lập trên lộ trình tự chủ. Làm thế nào để gánh nặng tài chính không đè lên vai người học, làm thế nào để tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội? Nhiều kinh nghiệm, giải pháp đã được các trường đại học chia sẻ đề xuất. 

ĐỂ GÁNH NẶNG TÀI CHÍNH KHÔNG ĐÈ LÊN VAI NGƯỜI HỌC

Nguồn thu ổn định từ công tác khoa học đang phần nào san sẻ gánh lo học phí cho sinh viên của Đại học Thái Nguyên. Là đại học vùng, sinh viên theo học tại đây đa phần là con em các địa phương khó khăn. Vì thế tăng thu từ học phí không được coi là giải pháp hàng đầu của đại học Thái Nguyên. 

GS PHẠM HỒNG QUANG, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên: “Nguồn lực tài chính trong giáo dục đại học là một phần quyết định. Rất mong Đảng, Nhà nước có đầu tư lớn đặc biệt cho giáo dục miền núi và dân tộc vùng sâu, vùng khó khăn. Đây mới là chiến lược phát triển bền vững cho vùng. Đề nghị có hệ số định mức cao hơn cho nên chúng tôi cho rằng lộ trình tăng học phí không thể tăng mạnh được. Đây là điểm khó đối với đại học vùng.”

Nhà nước chi cho giáo dục Đại học chỉ từ 0,25%-0,27% GDP. Đây là con số đáng chú ý trong Báo cáo của Bộ Giáo dục và đào tạo tại Hội nghị về Tự chủ đại học. 
Hiện hàng năm Nhà nước cắt giảm theo lộ trình 5-15% chi thường xuyên. Trong khi đó, đa phần các trường chưa có nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ, nguồn thu từ các dịch vụ khác chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu nguồn thu của nhà trường là học phí với tỉ lệ 70-80%.

Ông VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh: “Chi cho giáo dục còn ở mức rất thấp chỉ được 0,25 đến 0,27 tính theo GDP. Nhìn qua Thái Lan, Singapore và Trung Quốc thì số chi của chúng ta thấp hơn rất nhiều. Chi ngân sách cho giáo dục đào tạo theo chúng tôi nên được xem là loại hình chi đầu tư lâu dài, không đơn thuần là chi thường xuyên hằng năm. Khi các trường thực hiện tự chủ vì quan điểm là chi thường xuyên nên cắt ngay và cắt ngay thì tạo ra khó khăn ban đầu cho các trường tự chủ. Về lâu dài chúng ta phải quan tâm chi cho giáo dục nói chung là loại chi đặc biệt.”

Rõ ràng việc tăng học phí sẽ là một gánh nặng lớn với sinh viên nhưng không tăng học phí thì không thể có chất lượng cao trong đào tạo. Vì thế dù mục đích tự chủ ĐH là nâng cao chất lượng nhưng nguồn lực lại hạn chế là khó khăn, thách thức của nhiều cơ sở giáo dục ĐH công lập. 

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM: “Giảm học phí mà để cha mẹ không phải đóng, miễn hẳn hoặc giảm thì ngân sách phải bù vào chứ không các trường lấy đâu ra ngân sách mà chi tiêu. Còn ngân sách chi cho các cơ sở giáo dục thì đương nhiên phải theo xu hướng tính đúng, tính đủ và ít nhất hàng năm phải tăng theo mức độ phát triển của kinh tế đất nước. Tới đây tinh thần của Thủ tướng đã chỉ đạo phải chuẩn bị nghị quyết theo hướng học phí phổ thông, phần gia đình phải đóng là không tăng, cố gắng giảm và miễn, đẩy nhanh lộ trình giảm, miễn. Bù lại thì ngân sách phải đảm bảo tính đúng, tính đủ theo giá dịch vụ để đảm bảo chất lượng giáo dục được cải tiến.”

Để học phí không là gánh nặng đè lên vai người học, hiện các cơ sở giáo dục đại đại học trong giai đoạn hiện nay vẫn rất cần Nhà nước tiếp tục đầu tư công thông qua các chương trình, dự án. Bên cạnh đó, không xem tự chủ nghĩa là trường ĐH tự lo về tài chính để hệ quả là các trường chỉ còn cách tăng thu học phí.

ĐIỀU CHỈNH CƠ CẤU ĐẦU TƯ CHO GIÁO DỤC

Chúng ta sẽ tiếp tục lắng nghe chia sẻ của ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban VHGD của Quốc hội xoay quanh câu chuyện ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, nhiều hay ít.

Với quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, Nghị quyết số 37 Quốc hội khóa 11 và Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định, Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Tuy vậy trên thực tế, tỷ lệ này chỉ đạt trung bình từ 17,4-18,5%. Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo tại các địa phương cũng khác nhau. Cá biệt có những tỉnh tỷ lệ chi chuyên môn trong tổng chi thường xuyên thấp dưới 10%. Thực trạng này đã gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giáo dục, nhất là tại các cơ sở giáo dục vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Vì vậy, Nhà nước cần quan tâm ưu tiên hơn nữa, bố trí nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo đảm bảo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách. Bên cạnh đó, để giảm bớt áp lực chi tiêu từ ngân sách Nhà nước, huy động được các nguồn lực phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, cần đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Đơn giản hóa những quy định về thủ tục và điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo, đồng thời khuyến khích tính cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. 

Phan Hằng